Từ năm 2022, thu nhập bao nhiêu ở nông thôn thì được xếp là hộ nghèo, cận nghèo?

2 năm trước 263
Chú thích ảnhNgười dân phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum làm thủ tục nhận tiền vay vốn tín dụng chính sách.  Ảnh: TTXVN

Cụ thể, về chuẩn nghèo sẽ điều chỉnh tiêu chí tại Điều 3 của Nghị định này quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

Tiêu chí thu nhập:

- Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.

- Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản:

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 quy định:

Chuẩn hộ nghèo:

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo:

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Giai đoạn từ năm 2016-2021, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức này là từ 900.000 đồng trở xuống.

Trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với việc tăng mức chuẩn nghèo về thu nhập và xác định thêm chuẩn nghèo mới về việc làm. Theo đó, mức chuẩn hộ nghèo, cận nghèo về thu nhập sẽ lấy chung mốc 1,5 triệu đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị. Hộ nghèo và cận nghèo sẽ khác nhau ở tiêu chí dịch vụ xã hội còn thiếu. Việc điều chỉnh này sẽ khuyến khích địa phương quan tâm đầu tư giảm nghèo cho các hộ dân ở các dịch vụ còn thiếu bên cạnh chiều về thu nhập.

“Việc tăng tiêu chí về mức thu nhập xác định chuẩn nghèo mới và các chiều dịch vụ xã hội sẽ làm tăng số hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ sẽ bao phủ và hỗ trợ thực chất hơn tới đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn từ năm 2022-2025”, ông Tô Đức cho biết.

Nguồn bài viết