Theo Cục Hàng không, dù giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay như hiện nay nhưng tập trung xây mới sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và đưa vào khai thác 6 sân bay mới sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vào năm 2030 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đó là nội dung chính trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng Thẩm định quy hoạch.
Hiện nay cả nước có 22 sân bay đang khai thác gồm 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay.
Qua tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng..., Cục Hàng không đề xuất:
Trong thời kỳ 2021-2030 giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay của cả nước gồm: 14 sân bay quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc; 14 sân bay nội địa là Lai Châu (chưa xây dựng), Điện Biên, Sa Pa (chưa xây dựng), Nà Sản (tạm dừng khai thác), Đồng Hới, Quảng Trị (chưa xây dựng), Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết (đang triển khai xây dựng), Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.
Nếu đầu tư xây dựng thêm 6 sân bay trong giai đoạn này, đến năm 2030 toàn bộ 28 sân bay trên sẽ đảm bảo cự li tiếp cận tối đa đến sân bay vùng đồng bằng 100km và vùng miền núi 200km.
Giai đoạn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29.
Trong giai đoạn này, quy hoạch không đề cập tới việc xem xét vị trí cho sân bay thứ hai vùng thủ đô như các đề xuất trước đó. Tuy nhiên, Cục Hàng không đề xuất tiếp tục duy trì quy hoạch vị trí sân bay quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí trong quyết định 640/QĐ-TTg năm 2011 nhằm dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi.
Trong giai đoạn 2021-2030, Cục Hàng không đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sân bay lớn, trọng yếu, đóng vai trò đầu mối như: hoàn thành đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1 đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2; nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nâng cấp sân bay Nội Bài đạt công suất 60 triệu hành khách/năm; nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt 28-30 triệu lượt hành khách/năm.
Sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không đến năm 2030 là khoảng 400.000 tỉ đồng, chủ yếu để xây mới hoặc nâng cấp các sân bay quốc tế.
Việc đầu tư như trên sẽ giúp hệ thống sân bay cả nước đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2030 đạt khoảng 278 triệu lượt hành khách/năm (năm 2019 có 116,5 triệu hành khách thông qua 22 sân bay), chiếm 1,5-2% tổng sản lượng vận tải hành khách và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh, tăng trung bình 8,1%/năm; tổng sản lượng hàng hóa khoảng 4,1 triệu tấn/năm, chiếm 0,05-0,1% tổng sản lượng vận tải hàng hóa, tăng trung bình 10,3%/năm.