Từ cái tên lạ cha gửi gắm đến một giấc mơ lớn

2 năm trước 383

Một ngày ở BEYOURS - Thực hiện: HẢI TRIỀU - CÔNG NHẬT - THU UYÊN - D.HƯỜNG

Linh động chuyển đổi trước đại dịch

Đầu năm 2017, khi đang có sự nghiệp ổn định ở một ngân hàng lớn, Anh Rim có cơ hội nói chuyện với các chủ nhà máy chuyên sản xuất và xuất khẩu nội thất. "Tôi nhận ra một nghịch lý là Việt Nam nằm trong tốp 4 thế giới về xuất khẩu nội thất nhưng đa số người Việt vẫn luôn cho rằng hàng nội địa thì phân vào nhóm giá rẻ và chất lượng thấp, trong khi hàng xuất nhập khẩu đồng nghĩa giá cao, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, người có thu nhập trung bình không có nhiều cơ hội xài hàng theo tiêu chuẩn xuất khẩu", Anh Rim nhớ lại.

BEYOURS sau đó ra đời với ba thành viên chủ chốt cùng sứ mệnh giúp người Việt được xài hàng nội thất theo tiêu chuẩn quốc tế với giá phải chăng. Công ty bắt đầu bằng việc nhập hàng nhỏ lẻ từ các nhà máy ở Bình Dương về bán online.

Từ cái tên lạ cha gửi gắm đến một giấc mơ lớn - Ảnh 2.

CEO Vũ Trung Anh Rim - Ảnh: THU UYÊN

Đến tháng 8-2019, khi quy mô công ty lớn dần và khối lượng công việc bên start-up nhiều hẳn, Anh Rim quyết định rời vị trí giám đốc ở ngân hàng đang làm để tập trung toàn thời gian cho "đứa con tinh thần" BEYOURS.

Anh Rim cùng các cộng sự thời điểm đó kinh doanh thông qua bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, showroom và trang web, mạng xã hội... Chỉ đến khi đại dịch ập đến, họ mới tập trung vào việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

"Có những giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, doanh thu hằng ngày của công ty giảm đến 70-80%, chúng tôi tìm hiểu và nhận ra lúc này thì phương thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là phù hợp nhất, hiệu quả trong việc giải quyết "bài toán" vực dậy doanh thu. Còn từ tháng 6-2021, chúng tôi định vị lại mình là một nhãn nội thất chuyên về sản phẩm, xây dựng thương hiệu... và không tập trung quá nhiều vào các khâu khá cồng kềnh khác như phân phối. Cũng may là chúng tôi kịp nhận ra sai lầm này và linh động sửa chữa, bổ sung kịp thời", Anh Rim nhớ lại.

"Sóng gió" do COVID-19 không dừng lại ở đó. Do doanh nghiệp giai đoạn đó dồn toàn lực để đầu tư mở rộng nên không lập quỹ dự phòng, chi phí cố định duy trì hằng tháng rất cao (nhân sự, cửa hàng, kho xưởng, hàng tồn kho, các hệ thống phần mềm…) trong khi ngành hàng nội thất không phải thiết yếu nên lượng đơn hàng giảm, các cửa hàng và nhà xưởng liên tục bị phong tỏa vì giãn cách xã hội, do nhân viên bị F0… khiến đội ngũ sáng lập nhiều lúc chới với.

"Khi đứng trước quyết định dừng lại hay đi tiếp, chúng tôi chọn quyết liệt đi tiếp. Chúng tôi muốn giữ chén cơm cho tất cả các cộng sự đã tin tưởng, theo chân BEYOURS từ những ngày đầu", Anh Rim nói về lý do start-up linh động chuyển sang bán thêm thực phẩm, rau củ quả… và anh cũng ngày đêm livestream bán hàng trong năm 2021.

Trao cơ hội "thử lửa" cho mọi người

Từ cái tên lạ cha gửi gắm đến một giấc mơ lớn - Ảnh 3.

CEO Vũ Trung Anh Rim trao đổi với các cộng sự - Ảnh: THU UYÊN

Khi được hỏi về cái tên độc đáo của mình, Anh Rim cho biết trước đây cha anh thường có một mơ ước giản đơn là nhà có đủ tiền mua chiếc xe Dream cũ để chạy, ước mơ đó được gửi gắm vào cái tên ngày con trai chào đời. Và bây giờ, anh dần chinh phục được một giấc mơ lớn (trong tiếng Anh, dream có nghĩa là "giấc mơ" - PV) bản thân đã theo đuổi bao năm.

Còn khi nói về cái tên thương hiệu BEYOURS, Anh Rim cho biết muốn gửi gắm thông điệp "là chính mình" (be yourself) đến mọi người. "Với khách hàng, câu đó có nghĩa là họ có thể mua và tự lắp ráp, thiết kế sản phẩm theo ý mình (với hướng dẫn lắp ráp), còn với nhân viên thì họ có "không gian" tự làm, tự sai và tự học, đứng dậy từ sai lầm của mình", Anh Rim giải thích.

Hiện là đối tác chiến lược của các chuỗi siêu thị hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc, trở thành một trong những thương hiệu nội thất tiên phong và liên tục nằm trong tốp nhà bán tốt nhất trong ngành ở các sàn thương mại điện tử, Anh Rim cho biết "bí kíp" là ngoài việc tạo ra các sản phẩm đẹp thì BEYOURS luôn chú tâm vào tính thực tế của sản phẩm (công năng, chất liệu…), tối ưu chi phí qua cách thiết kế, lắp ráp, dễ dàng vận chuyển… 

"Bên cạnh việc không ngừng sáng tạo để tiết kiệm, tôi nghĩ cũng cần nói thêm về yếu tố tư duy. Chẳng hạn thương hiệu là quan trọng nhưng không vì thế cho nó quá bay bổng và vượt xa giá trị thật", Anh Rim chia sẻ. Và anh cho biết đội ngũ cũng rất quan tâm đến câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực để mọi người luôn đồng lòng san sẻ cùng nhau trong cả giai đoạn thăng lẫn trầm.

Nhiều câu chuyện thú vị tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp"

Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp", một hoạt động của Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-Up 2022 đang thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Được mở trên báo Tuổi Trẻ điện tử tại địa chỉ: tuoitre.vn, đây là nơi các nhà khởi nghiệp trẻ có thể tham khảo nhiều thông tin thiết thực trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Talkshow cùng tên sẽ được tổ chức vào ngày 31-3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM với nhiều câu chuyện thú vị của những gương mặt trẻ ấn tượng. Ngoài những nhân vật xuất sắc đã được vinh danh và trao hỗ trợ trong các mùa giải trước, như Nguyễn Khắc Minh Trí, nhà sáng lập của MimosaTEK - start-up được vinh danh và nhận giải đặc biệt năm 2020; Forbes Under 30 Lê Yên Thanh, nhà sáng lập, CEO ứng dụng BusMap - start-up được vinh danh và nhận hỗ trợ năm 2020, chương trình cũng có sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín khác.

Buổi chia sẻ còn có sự xuất hiện của chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường, phó chủ tịch HĐQT, đồng tổng giiám đốc MoMo, với kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghệ và tài chính.

Một gương mặt đang rất được các bạn trẻ quan tâm nữa là Kevin Tùng Nguyễn - Under 30 Forbes châu Á 2019, CEO/ Founder JobHopin.

Là hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức với mục đích gây quỹ start-up, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-Up 2022 nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. BTC sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...

MINH HUỲNH

Từ cái tên lạ cha gửi gắm đến một giấc mơ lớn - Ảnh 5.
Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiềnKhởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền

TTO - Một nhóm bạn trẻ ở đất dứa xứ Thanh đã ứng dụng công nghệ Eco Enzyme để biến nguồn vỏ dứa khổng lồ tưởng như bỏ đi thành các sản phẩm nước tẩy rửa an toàn với sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường.

Nguồn bài viết