Từ bốn phương trời, tiến sĩ Việt nói về nỗi nhớ Tết quê nhà tha thiết

3 năm trước 625

Họ đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online xúc cảm ngay khi vừa trải qua giao thừa và ngày đầu năm mới nơi phương xa.

Từ bốn phương trời, tiến sĩ Việt nói về nỗi nhớ Tết quê nhà tha thiết - Ảnh 1.

TS Nguyễn Duy Duy (thứ hai từ trái sang) và các bạn du học sinh Việt tại Úc quây quần đón Tết 2021 - Ảnh: NVCC

Cơ hội trưởng thành hơn về mặt cảm xúc

Năm nay vì đại dịch nên tôi không thể về thăm nhà được như mọi năm. Ở Úc hiện là mùa hè, trái ngược với thời tiết miền bắc Việt Nam bây giờ nên nỗi nhớ, nỗi buồn cứ lơ lửng, khó gọi tên.

Ngoài ra, vì dịch nên cộng đồng người Việt tại nơi tôi ở cũng đón Tết ít nhộn nhịp hơn các năm trước, cùng lắm là đi thăm vài nhà người thân xung quanh.

Tết Việt thì bên Úc vẫn là ngày đi làm, nên tôi chỉ có thể dọn dẹp trang trí nhà cửa, mua sắm cây, hoa và làm các món ăn truyền thống sau giờ làm.

Tôi cũng tặng giáo sư và đồng nghiệp của tôi ăn thử bánh chưng đậm chất Việt và nhận được nhiều lời khen. Tôi rất vui khi được kể cho họ nghe về nguồn gốc của bánh chưng tiến vua Hùng.

Tết xa nhà hẳn nhiên buồn, đã thế lại gặp đại dịch và không thể gặp gỡ bạn bè thì lại buồn hơn, nhưng cũng vì thế mà tôi có cơ hội sống chậm lại, để trân trọng những gì mình đang và đã có hơn. Tôi nghĩ rằng những cơ hội trải qua như thế này sẽ giúp tôi trưởng thành hơn về mặt cảm xúc.

Nhân dịp này tôi cũng muốn gửi lời chúc bạn đọc Tuổi Trẻ Online một năm mới Tân Sửu 2021 thật nhiều niềm vui, sức khỏe.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy
(30 tuổi, ĐH Sydney, Úc)

Trong nỗi nhớ da diết, chỉ mong người thân quê nhà luôn khỏe mạnh

Tôi đang làm việc tại Thụy Điển, nhưng Tết này tôi về Pháp đón Tết cùng vợ sắp cưới. Cái Tết của người Việt xa quê vẫn luôn nhỏ gọn, đơn giản, nhưng ấm cúng và ai cũng cố gắng chuẩn bị một chút để có không khí Tết như ở nhà.

Năm nay, chúng tôi vừa đón Tết vừa căng mình tuân thủ những quy định phòng chống dịch tại Pháp. Vì cần hạn chế tụ họp và có giới hạn về thời gian đi lại nên mọi người khó có điều kiện tập trung, gặp gỡ nhau.

Đây là cái Tết thứ sáu tôi sống xa Việt Nam. Càng gần Tết, nỗi nhớ nhà càng thêm da diết. Chúng tôi gọi điện về gia đình, xem không khí chuẩn bị Tết ở nhà và thở phào khi thấy ai nấy đều mạnh khỏe, bình an.

Năm Canh Tý 2020 là một năm nhiều bất ổn cho dịch bệnh, những cũng là năm có nhiều dấu mốc quan trọng với tôi. Tôi tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp, bắt đầu làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Thụy Điển, và vừa được nhận tài trợ Marie Skłodowska-Curie Actions (MSCA) của châu Âu cho đề tài nghiên cứu của mình.

Vào thời khắc chuyển giao sang năm mới, tôi thầm mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống của mọi người trở lại bình thường, và những người con xa quê như tôi sẽ được về quê ăn Tết vào năm sau.

Tiến sĩ Ngô Khắc Hoàng

(28 tuổi, ĐH Công nghệ Chalmers, Gothenburg, Thụy Điển)

Từ bốn phương trời, tiến sĩ Việt nói về nỗi nhớ Tết quê nhà tha thiết - Ảnh 2.

TS Lê Duy Tân (thứ ba từ trái sang) và các du học sinh Việt tại Nhật đón giao thừa Tết 2021 - Ảnh: DUY TÂN

Biết trân trọng hơn "những điều bình thường"

Người Nhật đã không còn ăn Tết âm lịch từ thời Minh Trị nên khoảnh khắc Tết Việt vẫn là ngày làm việc bình thường ở Nhật. Những năm trước, chúng tôi vẫn tổ chức những hoạt động sôi nổi đón Tết để các du học sinh Việt vơi nỗi nhớ nhà, song song đó quảng bá văn hóa Việt.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch nên các hoạt động cộng đồng đều không được khuyến khích tổ chức. May mắn là 30 Tết năm nay trùng với ngày lễ của Nhật nên chúng tôi có thêm chút thời gian ở nhà và chuẩn bị Tết, nhưng cũng chỉ được tổ chức theo từng nhóm nhỏ.

Tuy không khí Tết có phần trầm lắng hơn các năm trước nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà. Giao thừa một mình nơi đất khách có lẽ là khoảng thời gian đầy xúc cảm nhất với bất kỳ du học sinh nào.

Năm nay, nỗi cô đơn nhớ nhà lại càng chồng chất do ảnh hưởng đại dịch. Giao thừa năm nay, tôi chỉ lặng lẽ ngồi một mình trong phòng xem Táo Quân, nghe nhạc xuân rồi lướt Facebook xem ảnh bạn bè đón Tết ở Việt Nam rồi đi ngủ.

2020 là một năm hết sức khó khăn với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, tôi tin đại dịch cũng đã dạy chúng ta bài học về sự trân trọng những gì mình đang có, về giá trị của "cuộc sống bình thường". Hy vọng Tân Sửu sẽ là một năm bình an với tất cả chúng ta.

Tiến sĩ Lê Duy Tân

(27 tuổi, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST, Nhật Bản)

Tôi sắm sửa một cái bánh chưng, một cái bánh tét

Mùng 1 Tết âm lịch của người Việt rơi vào thứ sáu ở Mỹ nên tôi vẫn phải làm việc. Dịp này tôi đang phải chuẩn bị đề cương nghiên cứu để kịp bảo vệ ở học kỳ sau. Cùng lúc đó tôi cũng tham gia một vài dự án nghiên cứu và phải hoàn thành công việc ở trường. Hiện tôi đang làm trợ lý nghiên cứu ở một trung tâm phát triển của vùng ở trường nên có thể nói là rất bận, dù vậy, tôi cũng đã kịp chuẩn bị cho mình một cái bánh chưng, một cái bánh tét để lấy hương vị ngày Tết.

Cuối tuần này tôi sẽ sang nhà một gia đình người Việt chúc Tết để có bữa ăn tân niên cùng với họ. Tết năm nay với tôi chỉ đơn giản vậy thôi.

Tết năm nay mọi thứ đìu hiu hơn hẳn khi người Việt ở khắp nơi, đặc biệt là tại quê nhà đón Tết trong tình trạng dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại.

Tôi chỉ mong gia đình mình và người dân Việt Nam có một cái Tết tròn đầy mà vẫn giữ được an toàn.

Khi COVID-19 khắp nơi yên ắng trở lại, việc đầu tiên tôi làm sẽ là ra sân bay để về Việt Nam ngay, tôi nhớ gia đình lắm rồi!

NCS Nguyễn Quốc Định

(30 tuổi, ĐH George Mason, Hoa Kỳ)

Nguồn bài viết