Theo báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường GFK (Growth from Knowledge), trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 20 triệu máy điện thoại, trong đó, khoảng 60% là máy smartphone; 40% là máy featurephone (điện thoại cục gạch) tương đương 8 triệu máy.
Như vậy khi Thông tư 43 có hiệu lực sẽ tác động đến số lượng máy featurephone chỉ hỗ trợ 2G, 3G đưa vào hoạt động trên mạng di động, tăng nhu cầu chuyển đổi sang smartphone 4G, 5G.
Với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G/3G đang hoạt động trên mạng lưới, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung.
Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Đến tháng 9 năm 2024 khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn, Bộ sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng băng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ được triển khai một cách đồng bộ trong giai đoạn tới.
Hiện một số địa phương và các doanh nghiệp cũng đang triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…
Đồng thời, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.