Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong diễn văn toàn quốc thường niên lần thứ 6, cũng là lần cuối của ông trên cương vị lãnh đạo - Ảnh: AFP
Cách đây 5 năm, vào ngày 12-7-2016, Philippines được xử thắng trong vụ kiện yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Phán quyết của Hội đồng trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Kể từ lúc nhậm chức tổng thống năm 2016, ông Duterte đã gây tranh cãi với nhiều phát biểu đôi khi bất nhất về vụ kiện này, cũng như thái độ của ông đối với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu ngày 26-7, bài diễn văn cuối cùng trước lúc mãn nhiệm, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định "trọng tài" giữa Philippines và Trung Quốc chưa bao giờ có, vì Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quy trình phân xử.
"Tôi sẽ làm gì với một tài liệu không ràng buộc Trung Quốc, vì họ chưa bao giờ là một phần trong tòa trọng tài đó? Thật ra không có tòa trọng tài nào cả, vì chỉ có người Philippines điều trần", đài ABS-CBN của Philippines dẫn lời ông Duterte.
Thực tế, đúng là Trung Quốc tới nay vẫn phớt lờ phán quyết mang tính ràng buộc nêu trên. Và ông Duterte thường xuyên gặp chỉ trích cũng vì lập luận tương tự những gì vừa nói.
Điều này dẫn tới việc nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng ông thân Trung Quốc và muốn để yên chuyện nhằm tận dụng hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Khi đề cập tới các luồng ý kiến chỉ trích cách tiếp cận của mình với Trung Quốc, ông Duterte nói: "Các bạn có muốn chiến tranh với Trung Quốc không? Ừ, tôi sẽ nói các bạn nghe. Kể cả trên bờ biển hay bãi biển Palawan, trước khi bạn cất cánh thì tên lửa của Trung Quốc có lẽ đã ở đó chừng 5 hay 10 phút. Sẽ là một cuộc thảm sát nếu tôi chiến tranh lúc này".
Trong bài phát biểu, ông Duterte cũng khẳng định Philippines sẽ khẳng định những gì thuộc về quyền của mình, và đấu tranh vì những điều xứng đáng cho người dân Philippines.
Thực tế, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2020, ông Duterte từng "gây bất ngờ" khi nói phán quyết giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt qua phạm vi của sự thỏa hiệp, giảm bớt tầm quan trọng, hay từ bỏ của các chính phủ.
Tới tháng 5 năm nay, ông một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ khi quay lại lập trường cũ, dọa ném phán quyết vào sọt rác.
Dù vậy, trong buổi nói chuyện thường niên cuối cùng trước khi rời đi, ông lặp lại những gì đã nói ở Liên Hiệp Quốc: "Chúng tôi khẳng định phán quyết về Biển Đông một cách rõ ràng, và không hề bất nhất từ song phương, trong ASEAN, và cuối cùng là tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Hồi tháng 9 năm ngoái tôi đã nói, phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, vượt qua phạm vi của sự thỏa hiệp, giảm bớt tầm quan trọng, hay từ bỏ của các chính phủ".