Tổng thống Biden công bố bức ảnh sâu nhất về vũ trụ của kính Webb

2 năm trước 164
Tổng thống Biden công bố bức ảnh sâu nhất về vũ trụ của kính Webb - Ảnh 1.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức NASA công bố bức ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng không gian James Webb - Ảnh: AFP

Bức ảnh có độ phân giải cao có những thiên hà và tinh tú mờ nhạt nhất từng được quan sát. Màu sắc trong bức ảnh rất phong phú từ hồng đến các tông màu xanh lam, cam và trắng.

Theo Hãng tin Reuters, bức ảnh mà Nhà Trắng công bố xuất hiện ngay trước thềm một sự kiện công bố của NASA về các bức ảnh và dữ liệu quang phổ của James Webb mà NASA dự định sẽ giới thiệu vào ngày 12-7 giờ địa phương, tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard ở ngoại ô Maryland.

"Siêu kính viễn vọng James Webb là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại của nhân loại", Tổng thống Biden cho biết.

Theo Hãng tin AFP, hình ảnh màu đầu tiên từ siêu kính viễn vọng James Webb - trị giá 10 tỉ USD - là hình ảnh sâu nhất mà nhân loại từng thấy về cả thời gian và khoảng cách. Kính viễn vọng đã chụp được ánh sáng của các tinh tú có không lâu sau vụ nổ Big Bang, vốn đã 13,8 tỉ năm trước.

Hình ảnh do ông Biden và lãnh đạo NASA Bill Nelson công bố cho thấy cụm thiên hà 4,6 tỉ năm tuổi tên SMACS 0723 có hoạt động như một "thấu kính hấp dẫn", bẻ cong và phóng đại ánh sáng từ các thiên hà xa hơn ở phía sau nó.

Tổng thống Biden công bố bức ảnh sâu nhất về vũ trụ của kính Webb - Ảnh 2.

Bức ảnh đầu tiên về vũ trụ sơ khai do kính viễn vọng không gian James Webb chụp - Ảnh: AFP

"Mặc dù đây không phải là hình ảnh xa nhất Webb có thể thấy, nhưng nó là bức ảnh sâu nhất từng được chụp, và cho thấy sức mạnh của kính viễn vọng này: cảm biến cực lớn, bước sóng rộng và hình ảnh rõ nét", ông Jonathan Lunine, chủ nhiệm khoa thiên văn tại ĐH Cornell, nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Avi Loeb, chuyên ngành thiên văn học tại ĐH Harvard, giải thích các vòng cung màu đỏ là thiên hà cổ đại, các vòng tròn và hình elip màu sáng thuộc về cụm thiên hà trẻ hơn ở phía trước.

Những hình ảnh tiếp theo sẽ được NASA công bố ngày 12-7, hé lộ chi tiết về bầu khí quyển của các hành tinh xa xôi, "vườn ươm sao" nơi các ngôi sao hình thành, các thiên hà và đám mây xung quanh một ngôi sao sắp chết.

Webb cũng thực hiện một phân tích quang phổ trên hành tinh khí khổng lồ có tên là WASP-96 b, được phát hiện năm 2014. Cách Trái đất gần 1.150 năm ánh sáng, WASP-96 b có khối lượng bằng một nửa sao Mộc và quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 3,4 ngày.

Nhà thiên văn học Nestor Espinoza nói với Hãng tin AFP rằng các phép quang phổ ngoại hành tinh trước đây có nhiều hạn chế về thiết bị so với những gì kính Webb làm được. 

"Nó giống như ở trong một căn phòng tối và bạn chỉ có thể nhìn ra qua một lỗ kim. Với Webb, bạn đã mở ra một cửa sổ lớn, bạn có thể quan sát tất cả chi tiết nhỏ", ông Espinoza giải thích.

Được phóng vào tháng 12-2021, kính Webb hiện đang quay quanh Mặt trời với khoảng cách 1,6 triệu km tính từ Trái đất. Tại khoảng cách này, kính Webb sẽ có vị trí cố định so với Trái đất và Mặt trời, với lượng nhiên liệu tối thiểu cần dùng để điều chỉnh đường bay.

Gương chính của Webb rộng hơn 6,5m và được tạo thành từ 18 mảnh gương tráng vàng. Webb cần duy trì sự ổn định nhất có thể để có được những bức ảnh đẹp nhất.

Nhờ vụ phóng hiệu quả, NASA ước tính kính Webb sẽ có tuổi thọ 20 năm. Webb sẽ hoạt động cùng với kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer để giải đáp các thắc mắc của con người về vũ trụ.

NASA sẽ tìm ra NASA sẽ tìm ra 'địa ngục' với kính viễn vọng không gian James Webb?

TTO - Chỉ vài tuần nữa, kính viễn vọng không gian James Webb sẽ giúp các nhà thiên văn học khám phá hành tinh 55 Cancri e. Hành tinh này siêu nóng giống như địa ngục được mô tả trong Kinh thánh: một chiều không gian luôn trong tình trạng bốc cháy.

Nguồn bài viết