Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí quốc phòng National Defence của Nga đăng ngày 13-11, Tổng thống Lukashenko nói rằng ông cần hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander của Nga, có tầm bắn lên tới 500km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
"Tôi cần một số sư đoàn ở phía tây và phía nam. Hãy để họ đứng ở đó" - ông Lukashenko nói.
Nằm ở phía tây Belarus có Ba Lan và Lithuania, hai nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Còn biên giới phía nam của Belarus giáp với Ukraine.
Ông Lukashenko không nói rõ liệu ông đã tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga về việc tiếp nhận hệ thống tên lửa Iskander hay không.
Nga là đồng minh thân cận của Belarus. Theo Hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa trả lời khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Lukashenko.
Các binh sĩ và cảnh sát Ba Lan theo dõi những người di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus gần làng Kuznica (Ba Lan) hôm 12-11 - Ảnh: REUTERS
Hiện nay EU cáo buộc Belarus dàn dựng cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus. Họ cho rằng Belarus đã dùng máy bay đưa hàng ngàn người di cư từ Trung Đông và châu Phi tới Belarus và thúc ép họ vượt biên trái phép vào Ba Lan.
Tuy nhiên, ngày 13-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chính các nước phương Tây, chứ không phải Belarus, chịu trách nhiệm cuối cùng cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus.
Căng thẳng tại biên giới Ba Lan - Belarus diễn ra trong bối cảnh Belarus đối mặt một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau vụ nước này ép máy bay của Hãng Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập hồi tháng 5 cùng một số vấn đề khác.
Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Tổng thống Lukashenko của Belarus sử dụng người di cư làm "tốt thí" để gây áp lực với EU, kêu gọi Minsk "dừng việc đẩy con người vào vòng nguy hiểm". EU đang chuẩn bị áp biện pháp trừng phạt mới lên Belarus.
Hôm 9-11, Belarus phản đối việc Ba Lan triển khai hơn 10.000 quân nhân tới biên giới và cảnh báo Warsaw không được phép có bất cứ hành động khiêu khích nào.