Tổng hợp COVID-19 tuần 21-27/3: Tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4

2 năm trước 367

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi vào đầu tháng 4/2022

Ngày 27/3, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết: Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccie Pfizer và Moderna để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022

Chú thích ảnhHọc sinh Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Đà Nẵng nghiêm túc phòng dịch. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN.

Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Ngày 27/3, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 giảm

Tính từ 16 giờ ngày 26/3 đến 16 giờ ngày 27/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 91.916 ca nhiễm mới trong nước (giảm 11.208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 62.043 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.011.473 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 91.225 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.003.762 ca, trong đó có 5.349.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về số bệnh nhân tử vong, từ 17 giờ 30 ngày 26/3 đến 17 giờ 30 ngày 27/3 ghi nhận 48 ca tử vong tại: Đồng Nai (6), Đắk Lắk (5), Quảng Ninh (4), An Giang (3), Hà Tĩnh (3), Kiên Giang (3), Bạc Liêu (2), Bến Tre (2), Bình Dương (2), Cà Mau (2), Quảng Bình (2), Thái Nguyên (2 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (1), Bình Phước (1), Điện Biên (1), Gia Lai (1), Hà Nội (1), Hải Dương (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Sóc Trăng (1), TP. Hồ Chí Minh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 61 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.306 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số: 17/2022/UBTVQH15 Về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết, số giờ làm thêm trong 01 năm được quy định như sau: "Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không áp dụng khoản 1 Điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động".

Số giờ làm thêm trong 01 tháng được quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng".

Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4, Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Tiêm mũi 3 bằng vaccine AstraZeneca cho người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine mRNA

Trong ngày, Bộ Y tế cũng đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị: Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine mRNA (vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Trong văn bản, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. Đồng thời tiếp tục thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo tại Công văn số 10722/BYT- DP ngày 17/12/2021 và Công văn số 508/BYT-DP ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Bộ Y tế cho biết, đến ngày 26/3, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên cả nước là 204.861.158 liều.

Nguồn bài viết