Tổng hợp COVID-19 ngày 10/3: Ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới; yêu cầu kiểm điểm việc chậm trễ mua vaccine cho trẻ

2 năm trước 193

Kiểm điểm tổ chức, cá nhân chậm trễ mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tại văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và tiếp tục thực hiện hiệu quả việc mở cửa lại trường học an toàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc điện đàm với bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX và ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer đề nghị quan tâm thúc đẩy càng sớm càng tốt việc cung ứng 22 triệu liều vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam và tư vấn, hỗ trợ về tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Việt Nam ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới COVID-19, Hà Nội có 13 ca tử vong

Tính từ 16 giờ ngày 9/3 đến 16 giờ ngày 10/3, Việt Nam ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội có số ca tử vong trong ngày cao nhất.

Chú thích ảnhBệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Ảnh: TTXVN

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (giảm 6.946 ca), Gia Lai (giảm 2.551 ca), Hà Nội (giảm 1.208 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bình Dương (tăng 1.309 ca), Hồ Chí Minh (tăng 1.205 ca), Nghệ An (tăng 845 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 147.780 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.260.495 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 53.253 ca nhiễm).

Từ 17 giờ 30 ngày 9/3 đến 17 giờ 30 ngày 10/3, cả nước ghi nhận 71 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 87 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Khuyến nghị lao động là F0 có sẵn tài khoản để dễ dàng chuyển tiền chế độ BHXH

Để đơn giản thủ tục nhận chế độ ốm đau, nghỉ dưỡng sức, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khuyến nghị người lao động là F0 có sẵn tài khoản cá nhân để khi đề xuất của Bộ Y tế về công nhận 1 trong 7 loại giấy tờ đang được cấp là thủ tục được nhận chế độ từ BHXH.

Chú thích ảnhXin giấy xác nhận là F0 tại  trạm y tế phường Thạch Bàn (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Theo BHXH Việt Nam, cùng với số lượng người mắc mới COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng, hiện có hàng trăm ngàn người đang có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau).

Nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng... số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bởi theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị COVID-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã cấp nên các giấy tờ này không đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở đề nghị hưởng BHXH.

Mục tiêu phục vụ của ngành BHXH Việt Nam luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT lên hàng đầu. Lúc người lao động cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ Quỹ BHXH (do người lao động đóng góp) thì cần nhanh chóng chi trả, để hỗ trợ người lao động tháo gỡ những khó khăn trước mắt trong cuộc sống.

Thời gian qua, kịp thời nắm bắt những khó khăn của người lao động trong việc xin hồ sơ từ cơ sở khám chữa bệnh làm thủ tục hưởng BHXH, BHXH Việt Nam đã chủ độnggửi văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinhnêu trên nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong việc thụ hưởng chế độ BHXH.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 1 trong 7 loại giấy tờ (gồm Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, y tế cơ quan/doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà; Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19.

Trong trường hợp không ban hành Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXHvà quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ này vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Như vậy, Bộ Y tế cũng đã có những bước cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết chế độ cho người lao động được linh hoạt. Theo đó, một số đề xuất, kiến nghị của BHXH Việt Nam đã được Bộ Y tế tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư số 56.

Về phía ngành BHXH Việt Nam đã sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí, nhân lực để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất chế độ BHXH cho người lao động bị F0 ngay khi có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế về các loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi Thông tư được ban hành.

Trong thời gian này, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên khẩn trương mở tài khoản để khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ,cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản của người lao động;vừa đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19.

Triệt phá đường dây "khủng" buôn lậu kit test và thuốc điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện số lượng cực lớn kit test, thuốc điều trị COVID-19 hiệu Liên Hoa Thanh Ôn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Sáng 10/3, một mũi trinh sát của phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và lực lượng chức năng phát hiện số lượng cực lớn kit test, thuốc điều trị COVID-19 hiệu Liên Hoa Thanh Ôn có nguồn gốc từ Trung Quốc và lượng lớn khẩu trang được sản xuất trong nước cùng với cồn sát khuẩn.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, trinh sát phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một đường dây buôn lậu và vận chuyển hàng cấm là thuốc điều trị COVID-19, kit test nhanh COVID-19 và các vật tư y tế khác từ Campuchia qua cửa khẩu Tân Hưng (tỉnh Long An) về Công ty TNHH thương mại dịch vụ ADN Care tại phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) để tiêu thụ nên đã tổ chức đeo bám, theo dõi.

Ngay thời điểm kiểm tra, người đại diện pháp luật của công ty ADN Care là Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1983, ngụ đường Trần Huy Liệu, Phường 15, quận Phú Nhuận) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.

Thảo khai nhận đã mua kit test và thuốc Liên Hoa Thanh Ôn từ một đối tượng người Campuchia thông qua mạng xã hội Facebook. Tiền được Thảo chuyển khoản qua ngân hàng, phía Campuchia chuyển hàng giao tận nhà hoặc giao đến chành xe ở vòng xoay An Lạc để Thảo đến đó nhận. Riêng số cồn sát khuẩn, Thảo khai do công ty ADN Care trực tiếp sản xuất nhưng không xuất trình được giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh mặt hàng này cùng các giấy tờ liên quan.

Hiện phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm đếm toàn bộ số hàng hoá thu được để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn bài viết