Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính giúp kiểm soát thành công lạm phát - Ảnh: NGỌC HIỂN
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2022, vừa diễn ra cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 12-2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân quý 4-2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính giúp kiểm soát thành công lạm phát trong năm qua.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (bên trái) trao đổi với báo chí tại họp báo - Ảnh: Đ.TUÂN
Trao đổi về những nguyên nhân giúp kiểm soát thành công lạm phát năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay năm 2022 diễn biến giá xăng dầu thế giới rất phức tạp, tăng rất mạnh, tác động lớn tới giá xăng dầu trong nước.
Giá xăng dầu trong nước phải điều chỉnh 34 đợt. Sau các đợt điều chỉnh, giá tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thế giới. Chúng ta đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu và giảm thuế, phí để kiểm soát giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo bà Oanh, việc kiểm soát thành công lạm phát trong năm 2022 còn có những nguyên nhân khác như: chúng ta bảo đảm được việc sản xuất cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm năm 2022, đặc biệt giá thịt lợn giảm 10,58% so với năm trước.
"Một số dịch vụ do nhà nước quản lý tác động lớn đến lạm phát chưa tăng giá như dự kiến, chẳng hạn học phí đáng nhẽ phải tăng từ năm 2021 theo Nghị định 81 của Chính phủ nhưng chưa tăng, nhiều địa phương còn thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh.
Đối với giá dịch vụ y tế cũng vậy, đáng nhẽ theo lộ trình phải tính đúng, tính đủ từ năm 2021 nhưng đến nay chưa tăng. Giá điện gần 4 năm qua chưa tăng giá dù chi phí nhiên liệu đầu vào tăng mạnh", bà Oanh nhấn mạnh.
Nhận định về áp lực tăng lạm phát trong năm 2023, bà Oanh cho biết những năm gần đây Quốc hội thường đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, nhưng năm 2023 Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát trong năm 2023 rất lớn.
Áp lực tăng lạm phát năm tới đến từ việc Trung Quốc dỡ bỏ Zero Covid, nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, đẩy giá hàng hóa thế giới tăng cao, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa đầu vào nhiều nên ảnh hưởng lớn tới lạm phát trong nước.
Bên cạnh đó, khả năng tăng giá học phí, giá dịch vụ y tế theo lộ trình, dự kiến điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2023, tăng lương cơ sở từ 1-7-2023 sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Yếu tố thuận lợi trong kiểm soát lạm phát năm tới theo bà Oanh là việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm tới sẽ làm giảm áp lực lạm phát.