Tổng cục Phòng chống thiên tai có đẩy trách nhiệm thu quỹ cho doanh nghiệp?

3 năm trước 1074
Tổng cục Phòng chống thiên tai có đẩy trách nhiệm thu quỹ cho doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp kiến nghị nên giao việc thu Quỹ phòng chống thiên tai cho các phường, xã - Ảnh: T.N.

Văn bản góp ý được 29 doanh nghiệp FDI gửi tới Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cơ quan soạn thảo nghị định, đồng thời gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI cho biết hiểu rõ ý nghĩa của Quỹ phòng chống thiên tai, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai thất thường như hiện nay.

Tuy nhiên, họ cho rằng nếu quy định doanh nghiệp phải đứng ra thu quỹ từ người lao động, sau đó đóng cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc đưa ra quy định chế tài với doanh nghiệp trong trường hợp không thu đủ quỹ phòng chống thiên tai từ người lao động theo các doanh nghiệp là bất cập và tạo thêm gánh nặng cho cộng đồng kinh doanh.

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có văn bản góp ý đề nghị sửa đổi quy định giao doanh nghiệp thu quỹ từ người lao động nhưng đến nay chưa được Tổng cục Phòng chống thiên tai tiếp thu, sửa đổi.

Về cách thức thu Quỹ phòng chống thiên tai, nhiều doanh nghiệp cùng cho rằng chưa nghĩ ra cách thu quỹ từ người lao động cho phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm công bằng, không gây bất bình với người lao động.

Bởi theo Bộ luật lao động, doanh nghiệp không thể khấu trừ lương của người lao động để nộp quỹ. Trong khi việc thu quỹ bằng tiền mặt là không thể thực hiện trong doanh nghiệp vì thu tiền mặt có nhiều rủi ro như nhầm lẫn trong thu quỹ, thu thiếu, thu phải tiền giả, có thể mất cắp quỹ khi số tiền thu về lớn.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không thể tổ chức hệ thống, cơ cấu nhân sự, in biên lai để thu phí thay cho cơ quan quản lý nhà nước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng biến động thường xuyên, vì vậy giao doanh nghiệp một năm thu phí một lần trước ngày 30-5 "là không ổn", đồng thời quy định thu quỹ bằng một ngày lương tối thiểu vùng theo các doanh nghiệp là "không rõ ràng", dễ gây mất công bằng khi lương tối thiểu các vùng khác nhau. 

Các doanh nghiệp đề xuất nên thu quỹ phòng chống thiên tai với tất cả mọi người lao động ở mức 15.000 đồng/người/năm, không phân biệt đối tượng thu để bảo đảm sự công bằng.

Các doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai chuyển việc thu quỹ phòng chống thiên tai về chính quyền phường, xã nơi người lao động thường trú, thống nhất một mức thu chung để bảo đảm không có sự chồng chéo và mất công bằng trong thu quỹ.

Ngày 1-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Tiến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đơn vị đang tập hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương về dự thảo nghị định thành lập Quỹ phòng chống thiên tai. 

“Có những kiến nghị sẽ tiếp thu, nếu không tiếp thu thì tổng cục sẽ có ý kiến giải trình chung” - ông Tiến nói.

Khoản 2 Điều 16 dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai quy định: "Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản của quỹ ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền".

Bàn giải pháp mô hình nhà ở thích nghi với vùng thiên taiBàn giải pháp mô hình nhà ở thích nghi với vùng thiên tai

TTO - Càng ngày, mức độ ảnh hưởng của thiên tai gây ra cho đời sống càng nặng nề hơn. Mô hình nhà ở nào? Vật liệu xây dựng nào thích nghi với điều kiện đó? Câu trả lời được tìm thấy trong chương trình tọa đàm "Nhà ở cho vùng thiên tai".

Nguồn bài viết