“Ngày hôm đó, Jack Ma đã vượt qua cái ranh giới vô hình vốn phân định cái gì nên và không nên nói ra”, nhà phân tích về Trung Quốc Chrisitina Boutrup đánh giá. Boutrup từng có dịp phỏng vấn Jack Ma - người đứng đầu tập đoàn Alibaba và tin rằng chính Ma cũng bất ngờ về hậu quả bởi nếu biết trước cơ sự đến mức này, chắc chắn ông sẽ không mạo hiểm.
“Ngày hôm đó” mà Christina Boutrup nhắc tới chính là ngày 24.10.2020, thời điểm Jack Ma có phát ngôn gây sốc khi chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2. Khi đó, ông Ma phê bình các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động với tâm lý của “tiện cầm đồ”, ý nói tới cơ chế chỉ dựa vào thế chấp tài sản khi cho vay khiến một số công ty phải thế chấp toàn bộ những gì họ có, gây áp lực rất lớn. Không chỉ vậy, ông còn cho rằng chính quyền đang kìm hãm nỗ lực đổi mới, “dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay” trong thời buổi thế giới bước vào nền tài chính điện tử.
|
Giới truyền thông nhận định phát ngôn trên đã làm phật lòng giới lãnh đạo và khởi động cho chuỗi ngày khó khăn đối với không chỉ Jack Ma, tập đoàn Alibaba và Ant Group cùng do ông sáng lập mà giờ còn ảnh hưởng tới nhiều công ty công nghệ khác.
Hiện tại, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Tencent, ByteDance, JD.com… - những doanh nghiệp hàng đầu trên internet tại quốc gia tỉ dân phải “tự kiểm điểm toàn diện”, hợp tác cùng cơ quan chống độc quyền, cơ quan quản lý không gian mạng và cơ quan thuế. Có 34 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc tham dự cuộc họp cùng các cơ quan quản lý với mục đích tất cả nhận được thông điệp răn đe từ trường hợp của Alibaba - đơn vị vừa dính án phạt 2,8 tỉ USD.
|
“Alibaba, như các công ty công nghệ lớn khác ở Trung Quốc, đang trải qua khủng hoảng hiện sinh”, nhà nghiên cứu Alex Capri tại tổ chức Hindrich Foundation ví von. “Khủng hoảng hiện sinh” là trạng thái một người đánh mất niềm tin, tự đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của bản thân.
Cũng từ một cuộc họp với giới chức sau phát ngôn vào tháng 10.2020, người ta dần ít thấy sự xuất hiện của tỉ phú Jack Ma nếu không muốn nói ông gần như biến mất hoàn toàn. Vào ngày 20.1.2021, ông Ma xuất hiện trong một video ngắn quay tại sự kiện từ thiện và vào tháng 2 có thông tin ông đang chơi golf tại đảo Hải Nam (Trung Quốc). “Có thể thấy Jack Ma đang ẩn mình, điều tốt nhất mà ông có thể làm hiện nay”, bà Boutrup nhận định.
Giờ đây, những người từng được ca ngợi vì có công thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng và là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của đất nước như Jack Ma (Mã Vân - ông chủ Alibaba), “Pony” Ma Huateng (Mã Hứa Đằng - Chủ tịch Tencent Holding) cùng nhiều nhà tài phiệt khác đang là đối tượng điều tra chống độc quyền khi tích lũy được hàng trăm triệu người dùng và đạt tầm ảnh hưởng tới hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày ở Trung Quốc.
Vào tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã ngăn Ant Group - tập đoàn do Jack Ma sáng lập niêm yết lên sàn lần đầu với dự kiến thu về 37 tỉ USD do lo ngại về mô hình tài chính của đơn vị này. Trung Quốc đồng thời buộc Ant tái cấu trúc dưới sự giám sát chặt chẽ hơn về quy định và các yêu cầu vốn tối thiểu. Việc này do ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ đạo. Ant Group thời điểm đó là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất Trung Quốc, có hơn 730 triệu người dùng hằng tháng.
|