Hai mươi năm kể từ ngày ra trường, sau đó đi làm, năm nào tôi cũng về quê ăn Tết. Nhưng năm nay thì không, dù quê hương bản quán chỉ cách nơi tôi sống chừng 150 km. Do dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, để giữ cho gia đình và người thân nên ai cũng động viên tôi ở lại, khi nào dịch dã tạm ổn, nếu có về quê chơi vẫn vui như Tết.
Ở lại không có nghĩa là thiếu thốn vật chất và tinh thần. Với tôi ấn tượng nhất là được nhận món quà quê do chính tay mẹ làm gửi cho ăn Tết, đó sản vật quê hương đã đi vào tuổi thơ tôi: Dưa hành.
Phong vị ngày Tết, gia đình người Việt nào cũng có dưa hành. Câu đối truyền miệng nhiều người thuộc lòng: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã đi vào nếp nghĩ, thói quen mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Ngày Tết xa quê, tuy chưa được ăn những món cầu kì do mẹ nấu, không được thưởng thức không khí nô nức, vui vầy của ngày xuân mới ở quê nhà như mọi năm… Nhưng tôi không lấy làm buồn bởi đã có quà quê mẹ gửi làm ấm lòng người đi xa.
Tôi không biết cây hành đã ăn sâu vào đồng đất Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) từ bao giờ. Khi tôi được sinh ra, đã thấy ở quê trồng hành. Cây hành được trồng từ tháng 8 âm lịch và thu hoạch vào tháng Chạp, đây cũng là thời điểm tháng 1 của năm mới. Vào mùa thu hoạch hành, cả cánh đồng đông kín người.
Ngày còn đi học phổ thông, cứ đến trung tuần tháng Chạp (cách Tết Nguyên đán chừng 2 tuần) chúng tôi lại phụ giúp bà, giúp mẹ ngồi bóc những củ hành nhỏ, trắng tinh đều để muối dưa.
Mẹ tôi thường đi làm sớm, ra đồng lựa những cây còn rọc (hành còn cả lá) bó thành từng bó để đi chợ, bán cho bà con về muối dưa hành. Hôm nào mẹ không bán hết, mang về chúng tôi lại cắt bỏ phần lá và rẽ, rửa sạch với nước. Sau đó bà và mẹ lại muối dưa, bán Tết.
Ở quê, vào mùa giáp Tết, học sinh khi được nghỉ học thường giúp gia đình làm hành muối dưa. Khi cắt lá, nước hành vô tình bay vào mắt cay xè, nước mắt giàn dụa. Nhưng không vì thế mà chúng tôi ngại ngần, chỉ nghĩ đến Tết, được lì xì, được ăn hành muối thì đứa nào cũng thích thú.
Cách muối dưa hành cũng rất kỳ công: Từ đêm hôm trước, mẹ đã dần tro bếp thật kĩ, bỏ mấy nắm tro mịn vào trong túi vải rồi thả vào chậu nước. Hành sau khi rửa sạch phải đem ngâm vào nước tro để bớt mùi hăng. Cứ ngâm như thế chừng 6 - 7 giờ thì vớt ra rửa sạch, rồi lột bỏ lớp vỏ ngoài. Củ hành khi đưa vào miệng nhai giòn, hăng hăng, cay cay và có vị chua rất ấn tượng.
Ngày nay, Tết đã khác xưa rất nhiều, nhiều món ăn đặc sản đều có sẵn ngoài chợ hoặc siêu thị, nhưng món dưa hành ngày Tết thì không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Việt.
Năm nay không về ăn Tết ở quê nhưng tôi vẫn nhận được dưa hành mẹ muối gửi cho. Âu cũng là chút hương vị ngày xuân để những người con xa sứ vơi đi nỗi nhớ người thân. Mong sao dịch dã chấm dứt, năm sau, những người xa quê lại được về đón Tết bên gia đình, được thưởng thức hương vị dưa hành trong mâm cơm Tết cổ truyền của dân tộc