Chị Nguyễn Phương Loan, 34 tuổi, sống tại Tây Hồ, Hà Nội thường xuyên mua sách cho các con mình hay tặng con của bạn bè trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, Giáng sinh hay Tết.
“Các cháu rất hào hứng khi nhận sách vì sách đẹp, nhiều màu sắc và lồng ghép nhiều hoạt động,” chị Loan cho biết.
Các bé có thể giở sách ra đọc ngay cho nhau nghe. Một số bé có thể ngại ngùng nhưng khi cầm sách về thì cũng tự đọc hoặc nhờ bố mẹ đọc cho nghe, chị Loan nói.
“Tôi đã từng rất vui khi bạn tôi gửi cho tôi clip con chị ấy mới hơn 1 tuổi cầm quyển sách Ehon tôi tặng, lật từng trang và chỉ chỉ vào hình,” chị Loan nói.
Tuy nhiên theo chị Loan, không đơn giản như để tiền vào phong bao lì xì, việc tặng sách cần nhiều thời gian, công sức hơn khi phải chọn lựa sách phù hợp, ít nhất là với độ tuổi của các cháu.“Lì xì sách vào đầu năm thì mình cũng cần dành thời gian để ghi lời chúc nữa,” chị Loan cho biết.
Chị Nguyễn Thu Hà, một giáo viên tiểu học tại quận Đống Đa cho biết mỗi dịp Tết đến xuân về, trẻ con bao giờ cũng đón chờ với nhiều háo hức nhất, vì các em được nghỉ học, được về quê, hơn hết là được ông bà cha mẹ lì xì mừng tuổi. Những năm gần đây, phong tục lì xì không chỉ gói gọn trong những phong bao đỏ mà còn có thêm lì xì hạt giống, lì xì sách.
“Cá nhân tôi thấy thật độc đáo và ý nghĩa vì nó không chỉ chứa đựng lời chúc năm mới ý nghĩa mà còn khơi gợi ở các em một thói quen tốt, một đam mê hay. Mỗi cuốn sách sẽ mở ra cho các em biết bao điều kỳ thú,” chị Hà chia sẻ.
Chị Trần Thanh Nga, Chủ tiệm sách Nga Trần Book Reviews cho biết những năm gần đây, văn hóa đọc nâng cao, thay vì tặng đồ chơi, quần áo...nhiều cha mẹ chọn tặng sách cho con vào các dịp đặc biệt trong năm.
“Đó là một thay đổi thú vị, chứng tỏ một điều rằng các phụ huynh ngày càng quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ hơn,” chị Nga chia sẻ.
Theo chị, người Việt từ xa xưa đã có tục lệ khai bút đầu năm, những người theo con đường sách bút đầu năm mới sẽ chọn một thời điểm để viết những chữ đầu tiên mong muốn một năm học hành tấn tới. Vì vậy tặng sách đầu năm là một gợi ý tuyệt vời, chúc cho một năm mới gặt hái được nhiều tri thức. Ngày nay trẻ con có nhiều cơ hội tiệp cận với sách và đọc sách nhiều hơn trước, chị Nga nhận xét.
Là một người thích đọc sách và chuyên chọn lọc các đầu sách hay phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, chị nhận thấy sách bây giờ phong phú về thể loại, hình thức đẹp và nội dung vô cùng hấp dẫn. “Thực sự là so với thế hệ trước đây chỉ biết có sách giáo khoa thì thế hệ trẻ được tiếp xúc với kho tri thức vĩ đại của nhân loại thông qua sách, đó là một cơ hội tuyệt vời”, chị nói
“Dù trẻ con nhà mình thường xuyên được mẹ mua sách cho hàng tháng nhưng dịp năm mới mà nhận được một bộ sách yêu thích thì chắc chắn là các bạn cũng vẫn rất vui mừng. Mình luôn tâm niệm rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ, giúp trẻ yêu thích sách là một việc làm hữu ích, đặc biệt giúp con tư duy và giải quyết tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống”, chị Nga chia sẻ.
Nhà báo, nhà văn Khương Diệp Anh cũng cho biết, việc ngày càng nhiều người lựa chọn sách làm quà mừng tuổi đầu năm là một tín hiệu mừng, bởi sách là người bạn đồng hành mà bất cứ ai kết giao chỉ có lợi chứ không có hại nếu xét trên phương diện tích cực.
Trong thời buổi người người cúi đầu nghịch điện thoại, người lớn nghiện “phây” (Facebook), trẻ em nghiện game… thì việc tặng sách đầu năm cho nhau là một hành động kịp thời để thay đổi các hành vi giải trí bằng công nghệ phổ biến hiện nay.
"Rõ ràng chúng ta đều nhìn thấy mặt trái của việc lạm dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày như con trẻ kết nối tinh thần rất kém với cha mẹ, người lớn càng mải mê với công nghệ "ảo" thì lại càng thấy bản thân cô đơn.
“Việc tặng sách quý, sách hay sẽ khiến tâm hồn bớt đi những khô cằn, lạc lõng ở thời đại cái gì cũng cần nhanh - chỉ có đọc là phải chậm này”, nhà văn Khương Diệp Anh nói.
Nữ nhà văn chia sẻ: “Tôi có thói quen thích đọc sách từ khi biết chữ. Sách là bạn thân của tôi, một người bạn cho tôi nhiều thứ mà không lấy đi của tôi bất cứ điều gì. Kiến thức, niềm vui, thỏa mãn tò mò... tôi đều tìm được từ khi đọc sách.”
Càng đọc nhiều, sự hiểu biết càng tăng lên, vốn từ vựng cũng phong phú hơn, tư duy mạch lạc hơn. Bởi vì sách là kết tinh của trí tuệ, người viết sách hay đương nhiên là người có kiến thức sâu rộng, là bậc thầy của tư duy ngôn ngữ, mình không cần phải gặp trực tiếp mà vẫn hiểu được chuyện của trăm năm, của ngàn năm trước, những kiến thức từ phổ quát đến chuyên sâu, những bài học cuộc sống, hiểu hơn về thế giới, con người ... càng đọc, nội tâm càng mạch lạc, phong phú. Ai cũng vậy, khi mình hiểu biết hơn mình sẽ cư xử nhân văn hơn. “Tôi thấy mình quá lãi khi đọc sách và học từ sách,” chị Khương Diệp Anh nhấn mạnh.
Về việc viết lách, thông qua con chữ và ý niệm truyền đạt, nhiều độc giả cũng hiểu về nhà văn như cách nhà văn hiểu về con người của các tác giả khác khi đọc sách của họ, đó là một điều rất thú vị.
Chia sẻ bí quyết giúp hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em từ nhỏ, nữ nhà văn cho biết theo chị, cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái, việc đọc sách cũng không ngoại trừ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cá biệt, không phải phụ huynh nào cũng thích đọc sách, nhất là ở thời đại này.
Dù vậy, việc bố mẹ đọc nhiều hay không cũng không quá quan trọng vì tự thân nhiều trẻ em có sở thích đọc sách từ bé. Vấn đề là bé cần có môi trường để kích thích việc tự đọc và chọn sách.
Nhà báo, nhà văn Khương Diệp Anh đánh giá cao khả năng chủ động của trẻ khi được cha mẹ dẫn đến nhà sách, hay việc cha mẹ hỏi nhân viên nhà sách về các đầu sách phù hợp với độ tuổi của con và đưa con đến chọn.
Theo chị, việc bố mẹ có thể sử dụng chiến thuật "mưa dầm thấm đất", hình thành thói quen đưa con đến thư viện, phố sách, cửa hàng sách hàng tuần để con có thói quen tiếp xúc, đồng thời hạn chế cho con xem - chơi điện thoại thông minh. Hai biện pháp cần phối hợp song song, con sẽ có thói quen tốt ngay từ khi cha mẹ bắt đầu đưa con vào đời với việc đó.
Chị Diệp Anh cũng lưu ý người lớn và trẻ em là hai đối tượng cực kỳ khác nhau; trong đó, hồn nhiên và đơn giản, thỏa mãn hiếu kỳ và tò mò là những nét đặc trưng của trẻ em.
Chọn sách phù hợp với độ tuổi, ví dụ dưới 6 tuổi bé chưa biết chữ, chưa thạo chữ thì nên cho bé xem tranh nhiều hơn chữ, đọc truyện cổ tích hoặc chuyện ngụ ngôn về động vật, thiên nhiên để tăng khả năng cảm thụ về bài học cuộc sống, phân biệt đúng sai, mở rộng trí tưởng tượng của trẻ.
Sau 6 tuổi dần thay đổi, chọn sách chữ và tranh, ảnh cân bằng, vừa đọc vừa chơi, vừa hỏi con để theo dõi xem con cảm thấy cuốn sách đó thế nào... nếu con không thích có thể cùng con lựa các đầu sách khác, sao cho việc đọc của con phải là hoạt động vui chơi hàng ngày, hàng tuần.
Với những trẻ chưa thích đọc hoặc cha mẹ quá bận rộn không thể đồng hành việc đọc cùng con thì cũng có nhiều hình thức để tăng cường hiểu biết cho trẻ như audio book hay kể chuyện cổ tích, bài học cho trẻ trên các kênh thiếu nhi, đó cũng là một cách để trẻ hào hứng và tiếp cận dần với sách in, khi đã được tiếp thu từ sách nói, chị Diệp Anh chia sẻ.