Tập đoàn điện lực Singapore cam kết đầu tư 12.000 tỉ đồng vào Việt Nam đến 2025

2 năm trước 156
Tập đoàn điện lực Singapore cam kết đầu tư 12.000 tỉ đồng vào Việt Nam đến 2025 - Ảnh 1.

Công ty CJ Vina Agri hợp tác với SP Group lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng mặt trời áp mái - Ảnh: SP GROUP

Ông Stanley Huang - giám đốc điều hành Tập đoàn SP Group - khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với SP Group. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi định hướng rõ ràng của Chính phủ Việt Nam trong 10 - 20 năm tới”, ông Huang nói với báo giới.

Theo giám đốc điều hành của SP Group, tập đoàn dự định hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam thông qua các giải pháp năng lượng bền vững tại các thành phố, quận, thị xã, cũng như khách hàng trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Cụ thể, SP Group đặt mục tiêu đạt 1,5 GW về quy mô tiện ích và các dự án năng lượng mặt trời áp mái tính đến năm 2025. Trong đó, các công ty con thuộc quyền sở hữu của SP Group cam kết phát triển danh mục năng lượng tái tạo tại Việt Nam đạt mức 1.000 MW vào năm 2025.

Thừa nhận còn một thời gian rất ngắn trước cột mốc trên, tức chỉ khoảng 2,5 năm, nhưng ông Huang khẳng định đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

“Nói một cách nghiêm túc, chúng tôi nghĩ nhu cầu điện năng lượng mặt trời áp mái sẽ còn tăng, ít nhất tăng trưởng với cùng tốc độ của GDP, tức tối thiểu khoảng 6 - 7%/năm. Chính vì vậy, tôi cho rằng để đạt mục tiêu 1.000 MW vào năm 2025 hoàn toàn khả thi”, ông Huang nói.

Ông Brandon Chia - giám đốc khu vực Đông Nam Á và Úc, Giải pháp năng lượng bền vững, SP Group - cho biết 750 triệu SGD là con số ước tính ban đầu để phục vụ các mục tiêu trên của công ty cho đến năm 2025.

“Tuy nhiên sau năm 2025, tham vọng của chúng tôi có thể lớn hơn nữa và tăng trưởng cùng thị trường", ông Chia nói, đồng thời lưu ý "con số đầu tư sau đó có thể tăng lên” vì SP muốn gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn.

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Để hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trong việc giảm phát thải ròng, ông Huang cho rằng hệ thống làm mát khu vực (district cooling) sẽ là giải pháp hiệu quả.

Hệ thống làm mát khu vực là hệ thống làm mát các cụm tòa nhà được kết nối bằng mạng đường ống với một hoặc nhiều nhà máy làm mát tầm trung. Theo SP Group, mô hình này đã giúp khu vực Marina Bay của Singapore tiết kiệm 30% năng lượng và giảm 20.000 tấn phát thải carbon mỗi năm, tương đương với việc giảm hoạt động của 18.000 ôtô.

SP Group đang tìm kiếm một dự án mang tính biểu tượng ở Việt Nam để làm bệ phóng cho dịch vụ công ty cung cấp. 

“Nếu chúng tôi có mặt ở đây sớm hơn, chúng tôi có thể hợp tác với tòa nhà Landmark 81 để áp dụng hệ thống làm mát khu vực”, ông Huang nói.

Ngoài ra, vị giám đốc điều hành này khẳng định việc quản lý nhu cầu cũng quan trọng như quản lý nguồn cung trong mục tiêu giảm phát thải ròng.

“Chúng ta thường tập trung quản lý về nguồn cung, nhưng tôi cho rằng việc quản lý nhu cầu cũng rất quan trọng. Chúng ta phải làm sao khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm lượng cầu, đồng thời gia tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng”, ông nói.

SP Group là công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore, một công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tập đoàn này bước vào thị trường Việt Nam từ tháng 2-2021 với tên gọi SP Energy Vietnam.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện SP Group để hợp tác triển khai lưới điện thông minh tại TP.HCM.

Hiện SP Group đã trở thành đối tác của Công ty năng lượng BCG Energy (thuộc BCG Group) và CJ ONS, công ty thành viên của CJ OliveNetworks (Hàn Quốc) tại Việt Nam...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộĐẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang tập trung triển khai các dự án đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Nguồn bài viết