Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Tập thương - thoạt nghe có vẻ chỏi với đôi tai hay bộ não đã quen với khái niệm, yêu thương là điều gì đó rất tự nhiên. Nhưng ngẫm lại thì tự nhiên yêu sẽ có ngày tự nhiên hết yêu.
Yêu thương có lẽ cũng như một cái cây, tập yêu, tập thương đơn giản là tưới nước mỗi ngày, quan sát coi sâu, bọ, có đủ nắng đủ dinh dưỡng... Giận dữ thì như đám lửa có thể thiêu rụi cả đám rừng nói gì đến... một cái cây. Có lẽ vì thế mà ta cần nuôi dưỡng cái cây mỗi ngày. Nuôi dưỡng còn gồm cả việc bảo vệ. Phải bảo vệ canh chừng để lửa giận (từ bên trong lẫn bên ngoài) không bốc lên mà đốt cháy nó!
1. Hết yêu chồng thì dễ, ký cái rẹt là xong (dẫu thực tế không hẳn luôn dễ dàng như thế). Ghét sếp, không ưa đồng nghiệp, bỏ việc là xong. Bạn bè nói sốc nghỉ gặp là yên.
Nhưng hết... yêu con (hay tưởng hết yêu con, hoặc chịu hết nổi, thậm chí là có những khoảnh khắc tưởng không thể nhìn mặt nhau được nữa...) thì muôn phần phức tạp hơn.
Ghét một đứa trẻ, nhất là con mình, đâu có thể đá ra đường là xong được. Bởi có một đứa trẻ, muốn hay không bạn cũng hiểu từ nay có một sinh mệnh gắn liền với cuộc đời mình. Mình phải chịu trách nhiệm về sinh mệnh ấy (may mắn lắm thì đến khi ngôi thứ ba ấy đủ 18 tuổi - và được giáo dục đủ để có thể tự lập, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình).
Trong 18 năm ấy, bạn - kẻ đã góp phần tạo ra sinh mệnh kia - không còn chọn lựa nào ngoài việc... chịu thương, chịu khó thương (chữ chịu thương chịu khó lẽ nào được hình thành từ đây!). Bạn tôi dùng chữ tập thương hẳn từ cảm giác này.
Dẫu sao việc tập yêu chồng chỉ là một trong nhiều lựa chọn. Nhưng trong mối quan hệ với con cái, ba mẹ có vẻ như không có sự lựa chọn nào khác. Mối quan hệ này sống động và phức tạp hơn hẳn. Dường như vũ trụ đã chuyển trọng tâm vào cái miệng nhỏ xíu mà hét đến váng cả đầu kia.
Tôi nhớ nhìn vẻ mặt "đừ ngắc" của sếp khi có con đầu lòng mà ái ngại. Sếp than khẽ: "Từ nay không còn cái gì trên đời là của mình nữa, kể cả thời gian".
Cũng phải nói thêm là sếp đã chuẩn bị tinh thần để chờ đợi một "cục con" khá lâu, đã tham gia các lớp tiền hôn nhân; thậm chí học chung lớp tiền sản để hỗ trợ vợ. Có thể vì vậy mà sếp có vẻ nhận định được tình hình một cách khá chân thật. Dù sao sếp tôi vẫn kiểm soát được tình hình.
2. Tôi nhớ mãi câu chuyện cô bạn nhỏ kể hồi mới chân ướt chân ráo qua Úc học. Đang yên lành, cô nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Mở cửa thì gặp người hàng xóm ngoại quốc tay bồng một đứa nhỏ hỏi: "Mày có thể cho tao gửi bé một giờ đồng hồ không?".
Nhìn bà mẹ đầu bù tóc rối như vừa bước lên từ 18 tầng địa ngục, cô bé chưa chồng con, bỡ ngỡ đón đứa trẻ vừa hoảng vừa thương, vừa không biết bà mẹ trẻ có quay lại không. May quá một giờ sau bà mẹ quay lại, cảm ơn rối rít, sắc mặt đã tươi tỉnh lại. "Cảm ơn mày. Nãy mày mà không giúp chắc tao giết nó hoặc tao giết tao mất".
Mãi đến lúc có con, trải qua nhiều đêm mất ngủ căng thẳng, mệt mỏi, cự cãi... nhất là tiếng khóc như thêm xăng vào lửa của mấy đứa bé, em mới hiểu được bà hàng xóm năm xưa, cô bạn nhỏ cười thông cảm. Hiểu được là một chuyện còn chấp nhận được lại là một chuyện khác nữa, cần nhiều thời gian hơn, cố gắng hơn và luyện tập nhiều hơn.
"Cũng có lúc nói thiệt, em ghét con kinh khủng, em cảm giác đó là một cục nợ mà em không biết khi nào mới trả nổi. Em nghĩ nó mà 18 tuổi chắc em đăng báo từ con quách", cô bạn cười khanh khách. Không biết từ khi nào em nhận ra mình không còn cười nữa, từ lúc có con.
Em hoặc chỉ la hét như bà điên hoặc nhăn nhó như phù thủy xấu xí. Em không nhận ra đâu nếu không nhờ một ngày kia em gào thét, thay vì dỗ dành hay hét lại, gã chồng gí cái điện thoại quay lại cái mặt em lúc đó. Em hoàn toàn là một bà điên. Biểu sao con em nó không khiếp hãi, không hoảng sợ, không khóc lóc bất an. Tính ra nhờ smart phone mà em tỉnh ngộ, cô bạn nhỏ bắt đầu học được thói tự trào.
"Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời biết sao giờ. Em không đá đít nó được, không từ nó được, cũng không oánh, không chì chiết, nhiếc móc gì được, vì nó có hiểu đâu. Em còn biết làm gì ngoài việc chấp nhận con mình là đứa khó chịu, khó ăn, khó ngủ, khó ị... Nói chung trăm đường khó. Thôi em coi như nhường nó một bước, mai mốt nó lớn cưới vợ về có con, con nó khó lại cho biết đá biết vàng. Mà nghĩ lại cuộc đời nhiều điều thú vị, từ khi em quyết định thua, không thèm ăn đủ thua đủ với nó, tự nhiên không khí trong nhà đỡ hẳn. Nó ăn dễ hơn, ngủ dễ hơn, bớt quấy hơn...".
3. "Lùi một bước biển rộng trời cao" là thật sao, tôi cũng bắt chước em đùa lại! Bao lâu nay mình hay nghĩ thậm chí còn dám tuyên bố, cứ yêu thương đi thì cái gì cũng làm được, cái gì cũng vượt qua. Thậm chí thấy ai đó than thở mệt nhọc, còn dám đánh giá vì chưa đủ thương.
Đến khi có con, đối mặt với việc không còn gì xảy ra theo ý mình nữa, tôi càng hiểu ra tình yêu trong mình vô cùng... giới hạn, dưỡng nuôi bao giờ cho đủ. Đối diện với nhiều thảm cảnh, ở đó người mẹ người cha trong phút chốc vụt hiện hình thành quỷ dữ, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là lúc cơn giận được nuôi dưỡng lâu ngày bằng bạo lực phút chốc chuyển hóa thành cơn điên. Cơn điên đã thiêu rụi chút yêu thương và tỉnh thức cuối cùng!
Yêu thương có lẽ cũng như một cái cây, tập yêu, tập thương đơn giản là tưới nước mỗi ngày, quan sát coi sâu, bọ, có đủ nắng đủ dinh dưỡng... Giận dữ thì như đám lửa có thể thiêu rụi cả đám rừng nói gì đến... một cái cây.
Có lẽ vì thế mà ta cần nuôi dưỡng cái cây mỗi ngày. Nuôi dưỡng còn gồm cả việc bảo vệ. Phải bảo vệ canh chừng để lửa giận (từ bên trong lẫn bên ngoài) không bốc lên mà đốt cháy nó!
Trái đất còn đang nóng lên, nữa là con người! Càng nóng càng cần ít nhất một bóng cây, và bóng cây nào cũng cần tưới mỗi ngày cho đến khi cây bám rễ đủ chắc và sâu để tìm được mạch ngầm...