Tạo cảm hứng, động lực cho các nhà khoa học đam mê nghiên cứu

2 năm trước 202
Chú thích ảnhChủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture - Giáo sư Sir Richard Henry Friend trao Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ cho Giáo sư Zhenan Bao đến từ Trung tâm Shriram, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Stanford (Mỹ). Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

"Hãy luôn giữ được sự tò mò, muốn khám phá trong cuộc sống!”

Em Nguyễn Như Linh, sinh năm 2010, trú tại thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, khuyết tật bẩm sinh mất cả đôi tay từ khuỷu trở xuống. Một chân của em cũng bị khèo một ngón, phải đi tập tễnh. Mặc dù vậy, với bàn chân lành lặn còn lại, em viết chữ đẹp, tự thực hiện những bài học trên máy tính trong những giờ học online do dịch COVID-19. Trong những giờ học trực tiếp tại trường học trước đây, Như Linh cười vui mỗi khi được dõi theo các bạn chạy nhảy, chơi đùa. Em luôn mơ ước có một đôi tay thật sự để có thể cầm, nắm, cảm nhận sự vật như các bạn khác.

Ước mơ của em Nguyễn Như Linh đã có thể trở thành sự thật với những nghiên cứu của Giáo sư Zhenan Bao, nữ khoa học gia đến từ đại học Standford, Hoa Kỳ, một trong 3 người được Quỹ VinFuture trao giải Đặc biệt. Bà và các cộng sự phát triển da điện tử từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, có khả năng phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh này đã mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.

Trực tiếp gặp mặt Giáo sư Zhenan Bao tại buổi giao lưu với các nhà khoa học nhận Giải thưởng VinFuture, em Nguyễn Như Linh bày tỏ mong ước sau này sẽ trở thành một nhà khoa học như bà để làm ra những sản phẩm giúp thay đổi cuộc sống của con người. Giáo sư Zhenan Bao nhắn nhủ với Nguyễn Như Linh: “Hãy luôn giữ được sự tò mò trong cuộc sống!”.

Một chủ nhân của giải Đặc biệt khác, Giáo sư Omar M.Yaghi, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, người thực hiện các công trình nghiên cứu về vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới về hóa học và có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng vào quá trình chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến.

Trong buổi giao lưu với các nhà khoa học và sinh viên Việt Nam tại Đại học Vinuniversity, ông say mê nói về vẻ đẹp của các phân tử, điều đã nuôi dưỡng ông bước trên con đường khoa học từ bé đến nay. "Tôi đến với hóa học là từ vẻ đẹp của phân tử. Tôi không nghĩ đến việc có thể thay đổi thế giới hay những gì to lớn, nhưng tôi đã có thể gián tiếp giải quyết các vấn đề của hành tinh bằng các nghiên cứu của mình", Giáo sư Omar M.Yaghi chia sẻ.

Vật liệu khung cơ khí (Metal-Organic Frameworks hay MOFs) mà ông và các cộng sự đang nghiên cứu được ông mô tả trước hết bằng vẻ đẹp và sự kỳ diệu của nó: một vật liệu rất nhỏ, với chỉ 1 gram to bằng khoảng 1 đồng xu nhưng có thể che phủ diện tích bằng một sân bóng đá.

Đằng sau vẻ đẹp và sự kỳ diệu của vật chất đó là những ứng dụng thực tế khi ở cấp độ phân tử, vật liệu có nhiều lỗ rỗng và có liên kết mạnh mẽ. Những lỗ rỗng này có thể chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến. Vật liệu này có thể tích tụ nước trong không khí kể cả những nơi khô hạn nhất như sa mạc để cung cấp cho nhu cầu của con người.

Vượt qua khó khăn để đến với đỉnh cao tri thức

Để nhân loại phát triển, sự tò mò, trí tưởng tượng đã thúc đẩy con người bước trên con đường khoa học, phát minh ra những cái mới, đưa con người ngày càng có khả năng làm chủ bản thân và sự vật. Trên con đường đó, không thiếu những hi sinh thầm lặng của những thử nghiệm thất bại, những mất mát to lớn của những người tiên phong là các nhà khoa học.

Phát biểu tại Lễ trao Giải VinFuture, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của loài người, phát minh của những nhà khoa học đã làm thay đổi thế giới. Trong hành trình gian nan đam mê nghiên cứu, khát vọng cống hiến cho nhân loại, đã có nhiều nhà khoa học phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong khi tiến hành các thử nghiệm khoa học. Điển hình như Galileo bị mù mắt do quan sát Mặt trời quá nhiều để phát minh ra kính thiên văn; Marie Curie qua đời vì nghiên cứu phóng xạ; Michael Faraday bị nhiễm độc hóa chất do nghiên cứu điện phân… Tôi muốn nói điều này để chúng ta thấu hiểu, chia sẻ sự gian nan, vất vả, hy sinh quên mình của các nhà khoa học và còn những khó khăn, thách thức khác không thể cân đong, đo đếm được”.

Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD của Quỹ Vinfuture là một trong những công trình khoa học phụng sự nhân loại điển hình trong những năm qua, khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới. Công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người" của ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis đã mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.

Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm đã sản xuất các loại vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền… có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.

Giáo sư Katalin Kariko (67 tuổi) là Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech, Giáo sư thỉnh giảng về phẫu thuật thần kinh tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, bà được coi là ‘mẹ đẻ’ của công nghệ mRNA đứng sau vaccine phòng COVID-19. Con đường dẫn đến thành công trong khoa học của bà trải qua nhiều khó khăn, đã có thời điểm bà phải rời khỏi Đại học Pennsylvania vì kết quả nghiên cứu không tốt, đồng thời bị chẩn đoán mắc ung thư. Mặc dù vậy, nềm đam mê khoa học đã giúp bà vượt qua những trở ngại đó để công nghệ mRNA được thừa nhận và đưa vào ứng dụng sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Để tạo ra công trình nghiên cứu này, bà cùng các cộng sự đã vượt qua rất nhiều căng thẳng. Trong đó, mấu chốt để tạo nền điều kỳ diệu, để vượt qua nghịch cảnh nằm ở suy nghĩ, mục tiêu hướng đến những điều tích cực cho con người. "Tôi làm những gì mình yêu và yêu những thứ mình làm. Tôi dành hết tâm trí và cảm xúc cho công việc để từ ít có thể tạo ra nhiều, từ khó khăn có thể tạo ra đầy đủ", Giáo sư Katalin Kariko cho biết.

Với giáo sư Kariko, vượt qua khó khăn là điều bà luôn nhấn mạnh. Để tạo ra giải pháp cho nhân loại phải xuất phát từ đam mê, tình yêu rất lớn. Tình yêu đó giúp bà vượt qua nhiều khó khăn, kể cả khi bị nhiều công ty từ chối công trình nghiên cứu; đồng thời, để tạo ra thành công còn cần sự tập trung tuyệt đối vào những gì đang theo đuổi.

Phát triển khoa học công nghệ, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội

Tại Lễ trao Giải thưởng Vinfuture, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định “xã hội có niềm tin nhờ khoa học”, “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Thủ tướng cho biết, tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của đất nước. Việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, các nước trên thế giới bao gồm Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức chung về biến đổi khí hậu, các tác động của đại dịch COVID-19. Việc nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là những công nghệ cao như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch... là giải pháp tất yếu để giải quyết các thách thức trên. Các sự kiện trong Tuần lễ Khoa học Vinfuture sẽ khích lệ ngành khoa học-công nghệ Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đặc biệt là đối với các nhà khoa học trẻ nước ta trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. 

Có thể thấy, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 mà Việt Nam đang hướng đến cũng khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, đổi mới sáng tạo là cầu nối đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; thúc đẩy năng lực hấp thụ, làm chủ và lan tỏa công nghệ của doanh nghiệp bên cạnh việc theo đuổi đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ.
 
Cùng với đó, Chiến lược hướng đến tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới.

Chiến lược cũng hướng đến thúc đẩy xã hội hoá các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Nguồn bài viết