Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Bắc Kinh "kết bạn" với thế giới - Ảnh: AP
Phát biểu tại một phiên học tập dành cho giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 31-5 và được Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lại ngày 1-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "kể tốt câu chuyện của Trung Quốc, truyền bá tốt tiếng nói của Trung Quốc" ra thế giới.
Ông thúc giục các quan chức Trung Quốc nỗ lực tạo ra hình ảnh một Trung Quốc "đáng tin, đáng yêu, và đáng kính", nhấn mạnh sự cần thiết của việc "kết bạn rộng rãi, không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè" của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói các tổ chức tuyên truyền của Bắc Kinh cần làm cho người nước ngoài hiểu được "Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự vì hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc mà phấn đấu".
"Tầm nhìn này của ông Tập cũng dễ hiểu. Kể từ lúc lên nắm quyền năm 2012, ông đã thúc đẩy để Trung Quốc giữ vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, ngoại trừ Nga và Pakistan, Trung Quốc có ít mối quan hệ ngoại giao vững chắc với các cường quốc trên thế giới" - Đài CNN (Mỹ) bình luận.
Một báo cáo công bố hồi tháng 10-2020 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết trong số 14 quốc gia được khảo sát ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á và Úc, phần đông người dân tại những nước này đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Trong đó, cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc tăng lên nhiều nhất ở Úc.
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Canada, Anh, Úc đang ngày càng xấu đi do những đòn trừng phạt thương mại trả đũa qua lại và nhiều vấn đề căng thẳng khác.
Thời gian qua, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc có thái độ không kiêng dè hoặc thậm chí hung hăng trong các phát ngôn/hành động phản bác phương Tây và bảo vệ hình ảnh Trung Quốc. Trong ảnh là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: SCMP
Một phần nguyên nhân nữa là do đại dịch COVID-19 và các cáo buộc liên quan nguồn gốc COVID-19.
Tuy nhiên, ngay cả trước đại dịch đã có những dư luận không tích cực về Trung Quốc, một phần do việc các nhà ngoại giao nước này dùng ngoại giao "chiến lang", với thái độ không kiêng dè và thậm chí hung hăng trong các phát ngôn/hành động bảo vệ hình ảnh Trung Quốc.
Sau khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với những người đồng cấp Mỹ tại Đối thoại Alaska hồi tháng 3 rằng "Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc một cách trịch thượng", câu nói này đã nhanh chóng được in lên những chiếc áo thun bán tại Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác của Trung Quốc.
Theo báo The Guardian (Anh), phát biểu của ông Tập khiến một số nhà phân tích dự đoán có thể ông đang yêu cầu các "chiến binh sói" của nước này xuống giọng, cải thiện các mối quan hệ ngoại giao của đất nước.
Báo The Sydney Morning Herald (Úc) cũng bình luận những phát biểu của ông Tập là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc, trong bối cảnh các nhà ngoại giao Trung Quốc bị chỉ trích ở châu Âu, Úc và Mỹ vì các động thái "ngoại giao chiến lang".
Ông Vương Nghĩa Nguy (Wang Yi Wei), giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân (Trung Quốc), nói rằng Trung Quốc có chính sách ngoại giao quyết đoán hơn thời gian qua để phản ứng với những người ở phương Tây xem Trung Quốc là mối đe dọa. Nhưng điều đó đã không làm hài lòng cả người dân trong nước lẫn quốc tế, theo Hãng tin Bloomberg (Mỹ).
"Hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây đã xấu hơn kể từ đại dịch COVID-19 và điều này cần được nhìn nhận nghiêm túc. Việc gia tăng sức mạnh của Trung Quốc cần được thế giới thừa nhận và đó mới là sự gia tăng sức mạnh thật sự" - ông Vương nói.