Phụ nữ có thể dễ bị phản ứng phụ với vắc xin hơn đàn ông - Ảnh: REUTERS
Theo báo USA Today, thống kê tiêm chủng ở Mỹ ghi nhận một điều lâu nay các bác sĩ đã quan sát và nghi ngờ: phụ nữ gặp phản ứng phụ nhiều hơn đàn ông.
Cụ thể, trong số gần 7.000 báo cáo phản ứng phụ gửi về Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ từ ngày 14-12-2020 đến ngày 13-1-2021, hơn 79% trường hợp là phụ nữ. Các triệu chứng phổ biến là đau đầu, mệt mỏi và chóng mặt.
Ngoài ra, phụ nữ cũng dễ gặp một số phản ứng phụ hiếm như vùng da tiêm vắc xin bị mẩn đỏ và ngứa (chiếm 77%) - hay còn gọi là hiện tượng "cánh tay Moderna", bởi 95% trường hợp xảy ra với vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna.
Theo các chuyên gia y tế Mỹ, người dân không cần lo lắng vì các phản ứng phụ trên là dấu hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch đang được kích hoạt, còn tại sao phụ nữ bị nhiều hơn là do khác biệt về mặt sinh học.
Thông thường, phụ nữ có phản ứng miễn dịch với vắc xin lớn hơn đàn ông, điều này giải thích tại sao họ cũng gặp nhiều phản ứng phụ với vắc xin COVID-19 hơn.
"Ở góc độ sinh học, đôi khi cơ thể phụ nữ tạo ra kháng thể sau khi tiêm vắc xin nhiều gấp đôi so với đàn ông" - bà Rosemary Morgan, nhà khoa học thuộc Trường Y Bloomberg, Đại học John Hopkins, cho biết.
Bác sĩ Daniel Saban từ Đại học Duke (Mỹ) cho rằng có thể do phụ nữ có nhiều tế bào T CD4+ hơn, đây là các tế bào giúp kích hoạt các tế bào khác của hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống virus.
"Đó là do phản ứng miễn dịch đáp ứng đang hoạt động mạnh mẽ hơn với vắc xin", ông Daniel Saban nói.
Theo bác sĩ Saban, nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của đàn ông và phụ nữ vì một số tế bào miễn dịch có thụ thể estrogen, phụ nữ lại sinh ra nhiều estrogen hơn đàn ông.