Tại sao Didi và các hãng công nghệ Trung Quốc lại chọn Mỹ để IPO?

3 năm trước 266

Lối đi quen thuộc

Khi Didi Chuxing chọn Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), dịch vụ gọi xe thống trị thị trường đại lục đã đi theo một con đường vốn không còn xa lạ gì đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv, Didi là một trong số hơn 30 công ty Trung Quốc đã chọn niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, thu về tổng cộng 12,5 tỉ USD chỉ trong nửa đầu năm nay, ấn tượng hơn rất nhiều so với 12 tỉ USD huy động được trong cả năm 2020.
Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về kho dữ liệu khổng lồ mà Didi và các hãng công nghệ lớn khác nắm giữ đang khiến cho lối đi quen thuộc đó trở nên thách thức hơn trong tương lai. “Các nhà chức trách Trung Quốc có thể thắt chặt tiêu chí và thực hiện giám sát nghiêm ngặt hơn đối với công ty muốn niêm yết ở nước ngoài, đặc biệt là những công ty đang hướng đến Mỹ. Hành động này sẽ tạo ra áp lực ngắn hạn không chỉ đối với các công ty công nghệ niêm yết nói chung, mà còn đến cả việc định giá trước khi IPO”, Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tại China Renaissance, nói.

Tại sao lại chọn niêm yết ở Mỹ?

Theo The Wall Street Journal, trước khi Didi niêm yết ở Mỹ, các nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến khích công ty nên trì hoãn và kiểm tra các biện pháp bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, Didi vẫn thúc đẩy việc IPO vào ngày 30.6 vì áp lực từ phía các nhà đầu tư. Song, câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Didi, cũng như nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc, lại tìm cách niêm yết ở Mỹ thay vì hướng đến những lựa chọn gần hơn như Hồng Kông hoặc Thượng Hải?

Trung Quốc cấm ứng dụng gọi xe lớn nhất nước Didi

Đầu tiên, các công ty khởi nghiệp có báo cáo thua lỗ sẽ dễ dàng niêm yết hơn trên sàn giao dịch NYSE hoặc Nasdaq. Trong khi đó, nếu muốn niêm yết ở Hồng Kông, các công ty phải tạo ra tổng lợi nhuận ròng ít nhất là 30 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 3,9 triệu USD) trong hai năm trước khi IPO, hoặc phải có vốn hóa thị trường tối thiểu là 2 tỉ đô la Hồng Kông tại thời điểm niêm yết và doanh thu ít nhất là 500 triệu đô la Hồng Kông.
So sánh với Hồng Kông, quy tắc của NYSE yêu cầu các công ty phải có ngưỡng vốn hóa thị trường nhỏ hơn nhiều là 200 triệu USD (khoảng 1,5 tỉ đô la Hồng Kông), hoặc lợi nhuận trước thuế đã điều chỉnh là 2 triệu USD trong hai năm, thay vì lợi nhuận ròng để niêm yết.
Thứ hai, Mỹ là nơi có chế độ linh hoạt nhất cho các công ty mới muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng. Điều này, kết hợp với sự thèm muốn từ phía nhà đầu tư Mỹ đối với các hãng công nghệ Trung Quốc, đã khiến nhiều hãng công nghệ đại lục chọn Mỹ làm điểm đến ưa thích. Một số công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc, bao gồm Alibaba Group Holding, JD.com và Baidu, đều đã lựa chọn theo đuổi IPO ở thị trường vốn của Mỹ và quay trở lại Hồng Kông để niêm yết thứ cấp sau hai năm. Didi cũng dự kiến sẽ đi theo con đường tương tự.
Thứ ba, những người trong ngành cho biết, các công ty đại lục được liên hợp ở nước ngoài không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý Trung Quốc trong việc tìm kiếm niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đàn áp mới nhất của Bắc Kinh đối với hàng loạt công ty công nghệ trong nước đã khiến một số nhà đầu tư phải đặt câu hỏi: liệu làn sóng các công ty Trung Quốc khai thác thị trường vốn của Mỹ có chậm lại đến mức nhỏ giọt hay không?
“Hành động đối với Didi và ba công ty công nghệ khác trong tuần này cho thấy chính quyền Trung Quốc cảnh giác với những rủi ro chính trị liên quan đến việc mở rộng thị trường và gây quỹ. Số đợt IPO ở New York của các công ty Trung Quốc có thể sẽ giảm khi một vòng quy định nặng tay mới được đưa ra”, Yin Ran, một nhà đầu tư tại Thượng Hải, nói.
Theo một số chuyên gia, sự chậm lại các đợt IPO của các công ty Trung Quốc có thể làm giảm đáng kể khối lượng niêm yết trên toàn cầu. Tuy nhiên, Yan Yiming, một luật sư ở Thượng Hải chuyên giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài, nói rằng “khi Quốc hội và Thượng viện Mỹ ngày càng thống nhất về lập trường trấn áp Trung Quốc”, thì Bắc Kinh phải ý thức hơn về cách bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, hoặc bất kỳ thông tin nào được xem là quan trọng đối với “lợi ích quốc gia” từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Nguồn bài viết