Việc thanh tra xăng dầu diễn ra sau tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương - Ảnh: N.HIỂN
Theo thông tin từ trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ Công thương, trong số 38 thương nhân đầu mối xăng dầu hiện nay, bộ này đã rút giấy phép một phần hoạt động của 7 doanh nghiệp trong thời gian từ 1-2 tháng.
Cụ thể, bộ này tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng với Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát. Một số doanh nghiệp bị tước quyền xuất, nhập khẩu trong 1 tháng như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm.
Có 3 doanh nghiệp bị tước quyền xuất nhập khẩu trong vòng 1,5 tháng gồm Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù các doanh nghiệp này bị tước quyền xuất nhập khẩu từ tháng 7 nhưng đến ngày 9-8, trên trang thông tin của Bộ Công thương mới công bố nội dung này.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay việc tước giấy phép với 7 doanh nghiệp trên chỉ áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu. Do đó, doanh nghiệp vẫn được mua hàng từ nguồn trong nước, được hoạt động kinh doanh bình thường, cung cấp nguồn cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ.
Ngoài các doanh nghiệp trên, còn có 11 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền là 1,7 tỉ đồng.
Với những doanh nghiệp bị tước quyền xuất nhập khẩu và xử phạt vi phạm hành chính, đã thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách và giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu để người có thẩm quyền xử phạt làm thủ tục giữ theo thời hạn tương ứng được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, quyết định tước quyền xuất nhập khẩu và xử phạt vi phạm hành chính với 18 doanh nghiệp được đưa ra bởi cơ quan quản lý thị trường - một trong ba đoàn thanh tra xăng dầu được Bộ trưởng Bộ Công thương công bố vào hồi tháng 2-2022.
Việc Bộ Công thương thực hiện thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn các tỉnh, thành phố diễn ra sau những vụ việc thiếu xăng dầu cục bộ ở nhiều địa phương. Đến nay, hai đoàn thanh tra khác vẫn đang tiến hành thanh tra và chưa kết thúc hoạt động này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thương nhân đầu mối xăng dầu cho hay việc các doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép xuất nhập khẩu từ tháng 7 nhưng đến ngày 9-8 mới được công bố thông tin khiến cho doanh nghiệp không nắm rõ được cụ thể việc xử phạt như thế nào. Việc này làm doanh nghiệp lo ngại có những trường hợp bị tước giấy phép trên vẫn mua nguồn xăng dầu, nên đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Công thương làm rõ hơn thông tin.
Theo doanh nghiệp này, việc tước quyền sử dụng giấy phép của các doanh nghiệp trên cần được Bộ Công thương công bố thông tin cụ thể hơn. Bởi trường hợp nếu bị "hiểu nhầm" thành doanh nghiệp bị tước giấy phép, phải dừng tất cả các hoạt động thì có thể ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng xăng dầu trên địa bàn, làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng thu ngân sách của địa phương.
Trong văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) ngày 10-8, đơn vị phân phối xăng dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết đã ký hợp đồng dài hạn với 22 khách hàng là thương nhân đầu mối trên cả nước.
Tuy nhiên, thông tin về việc một số doanh nghiệp đầu mối bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, trong đó có những khách hàng của Nghi Sơn, hoặc đang đề nghị đàm phán để trở thành khách hàng, nên doanh nghiệp này đề nghị Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo về quyền mua của các thương nhân này từ các nhà máy lọc dầu trong nước.