Cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 ghi nhận nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo, bền vững - Ảnh: A.T
Dự án tương ớt Spico được nhà sáng lập Lê Minh Cương (Thanh Hóa) đặt ra sứ mệnh bảo tồn phương pháp sản xuất tương ớt lên men truyền thống, lan tỏa văn hóa thông qua ẩm thực, giải quyết bao tiêu nông sản ớt Thanh Hóa và tạo công ăn việc làm, tận dụng được nguồn nhân lực địa phương.
Với mục tiêu đó, dự án cũng thành công trong việc thương mại hóa trên thị trường, mang lại doanh thu cao.
Dự án thịt thay thế - Meat substitute (TP.HCM), mật chuối Tabai, nâng cao giá trị trái chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh (Khánh Hòa) lần lượt đoạt giải nhì và giải ba.
Ngoài ra, còn có một số dự án đáng chú ý, có những yếu tố mới, sáng tạo khác như sợi lá dứa ECOSOI - nguyên liệu bền vững, thời trang cao cấp (Nghệ An), COBOTÉ, ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre)…
Trong vòng chung kết ngày 15-12, các dự án khởi nghiệp đã tập trung vào việc thuyết trình, nêu ra các ý tưởng, cách thức sản xuất, hay các hoạt động kết nối, phát triển thị trường và đặc biệt nêu bật được giá trị nguồn tài nguyên bản địa mang lại.
Kể từ khi phát động vào đầu tháng 5 đến hết ngày 30-9, cuộc thi đã nhận được hơn 130 dự án gửi bài dự thi. Hội đồng ban giám khảo như ông Phan Thanh Bình - nguyên giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân - nhà sáng lập Công ty Saigon Book... đã sàng lọc, chọn ra 28 dự án của 19 tỉnh thành tham gia thi ở bảng A và 40 dự án của 22 tỉnh thành tham gia thi kể chuyện "Câu chuyện khởi nghiệp của tôi - kinh doanh thời COVID-19".
Sau 4 ngày tổ chức, vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 đã khép lại với 22 dự án lọt vào vòng chung kết.
Do tác động của đại dịch, vòng bán kết cuộc thi năm nay có sự thay đổi lớn khi được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với sự nhiệt huyết, niềm đam mê, các chủ dự án đã mang đến cuộc thi những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm hay, những sản phẩm, dịch vụ đầy tính sáng tạo.
Từ câu chuyện của 65 dự án tham gia vòng thi bán kết, có thể nhận ra khó khăn của dịch bệnh chỉ làm các chủ dự án gặp trở ngại, gián đoạn trong chốc lát và chưa thể hạ gục được ý chí, sự quyết tâm của tuổi trẻ trên con đường khởi sự kinh doanh.
Các dự án cũng mang đến cuộc thi những câu chuyện nỗ lực, tìm cách xoay trở để duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên. Nhiều doanh nghiệp tìm cách để tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… vượt qua giai đoạn khó khăn.
Việc phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ủ mưu chờ cơ hội phục hồi đã thuyết phục được các giám khảo.