Tương lai của các ứng dụng truy dấu tiếp xúc sử dụng trong đại dịch COVID-19

2 năm trước 462
Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 1/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ứng dụng truy vết tiếp xúc của Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia (NHS) được sử dụng chủ yếu tại vùng England và xứ Wales trong khi ứng dụng StopCOVID NI phổ biến tại Bắc Ireland và ứng dụng Protect Scotland được người Scotland ưa chuộng. Mỗi ngày, hàng trăm nghìn người dân Anh vẫn nhận được tin nhắn đề nghị tự cách ly từ các ứng dụng. Tuy nhiên, đến mùa Xuân năm 2022, những ứng dụng này dần ít được chú ý. Đặc biệt tại England, khi chính sách phòng dịch chuyển sang sống chung với COVID-19 và các quy định cách ly cũng được dỡ bỏ, ứng dụng COVID-19 của NHS trở nên im lìm và không chắc tương lai sẽ ra sao.

Được triển khai từ tháng 9/2020, ứng dụng này từng được coi là trọng tâm của chiến lược xét nghiệm và truy vết. Giống như nhiều ứng dụng truy vết khác, ứng dụng này hoạt động dựa trên các tín hiệu Bluetooth kết nối không dây. Nếu một người dùng ứng dụng đăng tải kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, những người dùng khác tiếp xúc gần trong thời gian nhất định sẽ nhận được tin nhắn yêu cầu cách ly đề phòng, với hy vọng sẽ nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, ngăn chặn virus lây lan. 

Việc triển khai ứng dụng có hiệu quả nếu xét về một số khía cạnh như ngăn chặn dịch lây lan trong thời gian đầu. Trong giai đoạn này, ứng dụng được khoảng 28% dân số sử dụng, ngăn chặn khoảng 600.000 ca mắc khi vaccine chưa được phát triển và các biện pháp điều trị còn hạn chế. Tuy nhiên, ứng dụng được cho là không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Trước khi triển khai các ứng dụng, các nhà nghiên cứu ước tính để đạt hiệu quả ngăn chặn virus, cần có ít nhất 60% dân số tải về các ứng dụng (80% người sử dụng điện thoại thông minh) và tuân thủ nghiêm các yêu cầu cách ly. Tuy nhiên, tỷ lệ tải ứng dụng chỉ được khoảng 30% dân số.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã có nhiều thay đổi. Các ứng dụng được triển khai từ khi biến thể Alpha của virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ mùa Đông năm 2020, sau đó các biến thể Delta và Omicron xuất hiện và lây lan nhanh hơn rất nhiều, các hình thức tiếp xúc trực tiếp cũng thay đổi, các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ và việc tiêm phòng cũng giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Chính những điều kiện này đã khiến người dân hoài nghi về tính khả thi của việc tuân thủ các yêu cầu cách ly từ các ứng dụng. Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng được điều chỉnh để giảm thiểu số người được coi là tiếp xúc gần và phải cách ly, từ đó tiếp tục giảm khả năng ngăn chặn virus. Từ năm 2021, các tin nhắn từ những ứng dụng này cũng giảm dần.

Các nhà nghiên cứu giờ đây không thể khẳng định chắc chắn về tác động của các ứng dụng truy vết tiếp xúc trong các đợt bùng phát dịch trong tương lai,  nhưng những diễn biến trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 mới bùng phát cho thấy công nghệ giúp hạn chế virus lây lan. Do đó, trong tương lai, những ứng dụng này có thể sẽ tiếp tục được sử dụng để giảm số ca mắc COVID-19 hoặc bất kỳ dịch bệnh nào nếu cần thiết. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là công cụ này không thể thay thế những nỗ lực khác, các biện pháp chính như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và xét nghiệm. Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng nếu sử dụng các ứng dụng này, cần chú ý một số vấn đề như dữ liệu cá nhân hay nên có chiến lược giúp đa dạng đối tượng sử dụng để tăng số người dùng.

Nguồn bài viết