Tăng cường các giải pháp bảo vệ, phục hồi nguồn nước

1 năm trước 90

Thực tế, mỗi mùa mưa lũ qua đi, không những cướp đi tính mạng và tài sản, nhiều địa phương còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường. Việc tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt sau lũ là việc làm cần thiết.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ vấn đề này.        

Chú thích ảnh Nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (Quảng Nam). Ảnh tư liệu: Trần Tĩnh/TTXVN

 Ông đánh giá thế nào về thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay cũng như việc khan hiếm và khó khăn về nguồn nước tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai?                                  

Theo Ngân hàng Thế giới, tài nguyên nước của Việt Nam có khoảng 840 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, nhu cầu về sử dụng phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Nguồn nước mà có thể khai thác được cũng không thể đồng đều giữa các vùng cũng như là các mùa, mùa khô lượng nước chỉ chiếm khoảng 15 - 20% và một số nơi còn xuống dưới 15%.

Tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt chỗ quá thừa, quá thiếu và quá bẩn. Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long lượng nước chỉ còn dưới 10% và gây ra hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng năm 2015 và đầu năm 2016. Những vùng thường xuyên hạn hán thiếu nước như: Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên có nhiều nước nhưng do đặc điểm địa hình, hệ xâm thực sâu nên việc tiếp cận với nguồn nước khó khăn, sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là mùa khô việc thiếu nước đã xảy ra liên tục trong những năm gần đây.

Hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Tỉnh Sơn La với trữ lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm, tuy nhiên một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Để “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030, trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể hiện những nội dung cụ thể nào thưa ông?                                 

Mục tiêu phát triển bền vững “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030 có 6 mục tiêu SDGs cụ thể gồm các nội dung như: Hiệu quả sử dụng nước, giải quyết tình trạng khan hiếm nước, phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước, sự tham gia của các cộng đồng địa phương nhằm cải thiện việc quản lý nước vốn đang được thực hiện thông qua các văn bản pháp quy của lĩnh vực tài nguyên nước hiện có như các quy trình vận hành liên hồ chứa có xem xét tính toán nước cho các hệ sinh thái liên quan; ưu đãi cho sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả; thành lập các tổ chức lưu vực sông,...

Để bảo đảm an ninh nguồn nước và hướng tới thực hiện các mục tiêu SDG6, ở Việt Nam hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới và lâu dài, kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước phải hướng tới mục tiêu “Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý... bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước”. Theo đó, đến năm 2030, 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo an toàn đó là mục tiêu cụ thể.

Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về nâng cao chất lượng về quy hoạch, giám sát các quy hoạch đây là những nhiệm vụ rất cần thiết đã được chỉ ra trong kết luận này. Phòng, chống giảm thiểu tác hại do nước gây ra như ngập lụt, hạn hán, ô nhiễm đó là những nhiệm vụ chúng ta đã, đang làm và cần phải giám sát chặt chẽ hơn.

Để thực hiện mục tiêu tại Kết luận số 36 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch đưa vào trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, thời gian tới, Bộ tiếp tục đề xuất hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm, nâng cao đảm bảo an ninh nguồn nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: khẩn trương triển khai các thực hiện các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn lực đầu tư cho việc thu gom, xử lý nước thải đô thị, nước thải làng nghề; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Hiện nay, trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nước dưới đất nhiều nơi bị khai thác quá mức cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn; nhiều nguồn nước các sông, suối trên các lưu vực sông đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm thường xuyên do biến đổi khí hậu. Vậy thời gian tới, cần có những giải pháp nào quyết liệt hơn để tăng cường bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thưa ông?

Nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, mất an ninh nguồn nước là vấn đề toàn cầu, nhiều quốc gia luôn quan tâm bảo vệ nguồn nước, nâng cao mức độ đảm bảo an ninh nguồn nước.

Tăng cường việc quan trắc, giám sát nguồn nước, đặc biệt cần đầu tư xây dựng và khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống tự động quan trắc, giám sát chất lượng, số lượng nguồn nước; hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước được kịp thời, hiệu quả. Lập đề án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê; tăng cường thể chế thông qua việc xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm quản lý tài nguyên nước một cách bền vững, dài lâu.

Hiện nay, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang trình Quốc hội đã bổ sung một số quy định như: Các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất; quy định về chức năng nguồn nước để làm căn cứ xác định các giải pháp bảo vệ nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước phải phù hợp với chức năng nguồn nước và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định phục hồi nguồn nước nhằm khôi phục chức năng nguồn nước và các giá trị sinh thái tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với nguồn nước; quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

Trân trọng cảm ơn ông !                          

Nguồn bài viết