Tín hiệu truyền 8 tỷ năm mới đến Trái đất, mạnh hơn cả Mặt trời

1 năm trước 101
Chú thích ảnhẢnh mô tả quãng đường dài mà một vụ nổ sóng vô tuyến nhanh bắt nguồn từ các thiên hà xa xôi truyền đến Trái đất sau 8 tỷ năm. Ảnh: CNN

Theo phát hiện được công bố trên tạp chí Science mới đây, tín hiệu này là một nổ vô tuyến nhanh (FRB) và là tín hiệu mạnh nhất từng được quan sát. Trên thực tế, FRB này mạnh đến mức, trong chưa đầy một phần nghìn giây, đã giải phóng lượng năng lượng tương đương với Mặt trời phát ra trong 30 năm.

Nhà vật lý thiên văn học Ryan Shannon tại Đại học Công nghệ Swinburne, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nguồn năng lượng đó đủ để nổ tung một bát bỏng ngô to gấp hai lần Mặt trời”.

Điều gì đã tạo ra một vụ nổ mạnh mẽ như vậy? Giới thiên văn học chưa có câu trả lời chắc chắn. Dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện về tín hiệu sóng mạnh mẽ trên có thể giúp xóa tan bí ẩn đằng sau nguồn gốc của FRB, đồng thời cung cấp một công cụ vô giá để đo lường vũ trụ.

Ông Shannon xác nhận rằng các vụ FRB là hiện trượng phổ biến trong vũ trụ và chúng ta sẽ có thể sử dụng chúng để phát hiện vật chất giữa các thiên hà, cũng như tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc của vũ trụ. 

FRB là những điều kỳ lạ khó nắm bắt. Trường hợp đầu tiên được phát hiện là vào năm 2007 và kể từ đó chỉ có khoảng 50 vụ nổ khác được quan sát thấy. Vụ nổ mạnh chưa từng có mang tên FRB 20220610A được phát hiện vào tháng 6 năm ngoái thông qua kính viễn vọng vô tuyến ASKAP ở miền Tây Australia.

Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục sử dụng kính thiên văn ở châu Âu và Nam Mỹ, họ đã tìm ra nguồn gốc của vụ nổ. Tuy nhiên, nó đến từ nơi xa xôi hơn nhiều so với những gì họ tưởng tượng. Theo đó, FRB này có khả năng bắt nguồn từ một cụm thiên hà hợp nhất, chứa đầy rẫy sự hình thành của các ngôi sao mới.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này ủng hộ lý thuyết phổ biến rằng những vụ nổ này đến từ các sao neutron - hình thành từ hiện tượng suy sụp hấp dẫn ở nhân của một sao siêu khổng lồ. 

Điều thú vị nhất là vụ nổ trên đã củng cố cái được gọi là mối quan hệ Macquart. Qua đó, cho thấy rằng khoảng cách mà FRB đến Trái đất càng lớn thì khí khuếch tán giữa các thiên hà mà nó ẩn chứa trong suốt hành trình càng lớn.

Ông Ryan Shannon giải thích thêm: “Các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh sẽ cảm nhận được vật liệu bị ion hóa đó. Ngay cả trong không gian gần như trống rỗng, chúng vẫn có thể ‘nhìn thấy’ tất cả các electron và điều đó cho phép chúng ta đo được lượng vật chất giữa các thiên hà”.

Nguồn bài viết