Gần đây, Twitter đã trở thành mạng xã hội đầu tiên cho phép người dùng sử dụng tài sản NFT làm ảnh đại diện. Ngoài ra, The Financial Times tiết lộ Meta cũng đang lên kế hoạch đưa NFT vào hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram.
Twitter đã cho phép sử dụng NFT làm ảnh đại diện CHỤP MÀN HÌNH THEVERGE |
Theo The Wired, NFT là một phần quan trọng của Web 3.0 và việc tích hợp NFT vào nền tảng dường như là xu thế tất yếu của các ông lớn công nghệ. Tuy nhiên, sự hòa nhập này lại đi ngược với những gì mà Web 3.0 hướng đến: phá bỏ sự thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn như Meta và Twitter, vốn đã kiếm được hàng tỉ USD từ kiểm soát dữ liệu người dùng.
Không chỉ vậy, việc "hậu thuẫn" cho một thị trường đang tràn ngập những kẻ lừa đảo và gian lận được cho là "động thái kỳ quặc" của những gã khổng lồ Thung lũng Silicon.
NFT và những điều nhức nhối liên quan đến bản quyền
Sự bùng nổ của NFT đã làm bộc lộ rõ nhiều vấn đề nan giải liên quan đến bản quyền. Các cuộc chiến về quyền sở hữu tiêu biểu có thể kể đến như chuỗi nhà hàng Olive Gardens (Mỹ) với tác phẩm Non-Fungible Olive Gardens, hay Hermès với tác phẩm túi MetaBirkins bản NFT.
Giáo sư an ninh mạng Alan Woodward, đến từ Đại học Surrey (Anh), đã ví von NFT là “miền tây hoang dã - không có ai kiểm soát được nó”. Chính vì vậy, khi "ôm" NFT về thì nghiễm nhiên Facebook và Twitter cũng phải "gánh" luôn trách nhiệm. “Nếu có tranh chấp NFT, người dùng sẽ tìm đến ai? Hiển nhiên, đó là Facebook và Twitter. Chẳng hiểu nổi vì sao họ lại tự rước "của nợ" này về nữa”, ông Woodward nói.
|
NFT là gì mà gây sốt toàn cầu? |
Tuy vậy, bản thân Meta và Twitter là hai trong những cái tên hàng đầu mà các nhà nước trên khắp thế giới đang tìm cách hạn chế quyền lực, tầm ảnh hưởng và chịu trách nhiệm cho việc truyền bá nội dung bạo lực, cực đoan. Chính vì vậy, động thái tích hợp NFT của hai ông lớn công nghệ này đang nhận về rất nhiều sự tranh cãi, ngờ vực khi nhắc đến hai chữ "trách nhiệm".
Thà chấp nhận rủi ro chứ không bỏ qua cơ hội
Một số quan điểm khác lại ủng hộ động thái nhập cuộc NFT của Twitter vào ngày 20.1 vừa qua và PJ Cooper, nhà sáng lập Pandimensional Trading, là một trong số đó.
Tuy vậy, ông Cooper vẫn bày tỏ sự lo lắng trước những mặt trái của loại hình nghệ thuật mới này: “NFT đem lại rất nhiều mặt tích cực, thế nhưng chẳng thể nào phủ nhận sự thật là ngày càng có nhiều người mất niềm tin vào xu hướng này”.
Ảnh đại diện NFT của Twitter sẽ được xác nhận bởi hệ thống của OpenSea, nền tảng NFT lớn nhất thế giới, và điều này đã được xác nhận bởi Allie Mack, phát ngôn viên của OpenSea. Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc xác minh thông qua bên thứ ba không hẳn là sự lựa chọn khôn ngoan.
Kỹ sư Patrick McCorry, đến từ công ty blockchain Infura, cho rằng “OpenSea không đáng tin cậy”. Để bảo vệ lời khẳng định này, ông Patrick viện dẫn việc các tác phẩm trên nền tảng này đã vấp phải quá nhiều về vấn đề liên quan đến bản quyền và OpenSea dường như không hề có sự kiểm duyệt kỹ càng trước khi đưa một tác phẩm lên sàn.
Ở phương diện tích cực, giáo sư Woodward vẫn cho rằng việc Twitter và Meta vào cuộc NFT là động thái dễ hiểu, vì đây là một cơ hội kiếm tiền không đáng bỏ lỡ và góp phần xây dựng nền tảng metaverse riêng của họ. Dù vậy, giáo sư vẫn cho rằng các vụ tranh chấp về thương mại xoay quanh NFT khi Meta và Twitter triển khai diện rộng là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, sự nhập cuộc vào NFT của hai ông lớn mạng xã hội cũng dấy lên quan ngại về việc các tập đoàn công nghệ lớn sẽ tiếp tục có tầm ảnh hưởng rất lớn, điều không hề mong đợi trong kỷ nguyên Web 3.0.