Tình yêu tiếng Việt đã kết nối thư pháp và graffiti

2 năm trước 161
Tình yêu tiếng Việt đã kết nối thư pháp và graffiti - Ảnh 1.

Trong không gian nhà Thái học, các tác phẩm graffiti và thư pháp được sắp xếp song song như hai người trong cuộc đối thoại - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đó là chia sẻ của Võ Tuấn Xuân Thành - một trong những bạn trẻ tham gia thực hiện dự án triển lãm "Đối thoại Thư pháp - Graffiti".

Triển lãm là kết quả của một dự án sáng tác và trưng bày về thư pháp kết hợp với graffiti nhằm mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.

Đây là dịp để hai loại hình sáng tác này được đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, tích cực, gần gũi đối với cả hai bộ môn.

Thư pháp và graffiti vẫn luôn được coi là hai thế giới đối lập. Thư pháp được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Còn graffiti lại là một thú chơi có phần "nổi loạn" của giới trẻ.

Trong triển lãm người xem sẽ được khám phá "cuộc đối thoại Thư pháp - Graffiti" qua các khu vực trưng bày có tên gọi: gặp gỡ, đối thoại, giao lưu và đồng cảm. Tham quan triển lãm người xem sẽ vừa được thấy cá tính riêng của từng loại hình nghệ thuật khi chúng là các tác phẩm riêng lẻ, vừa thấy sự hài hòa khi cả 2 ở trong một tác phẩm.

Tình yêu tiếng Việt đã kết nối thư pháp và graffiti - Ảnh 2.

Các tác phẩm graffiti của những bạn trẻ đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhận lời tham gia thực hiện dự án ngay khi biết chủ đề của triển lãm, Võ Tuấn Xuân Thành đã đặt vé máy bay ra Hà Nội để gặp gỡ các thành viên thư pháp, graffiti ở cả ba miền để cùng bàn luận về câu chuyện đối thoại giữa hai môn nghệ thuật này.

"Giữa thư pháp và graffiti cái khó nhất là làm sao dung hòa giữa cái mới và cái cũ để khi đưa vào chung một không gian, người xem vẫn cảm nhận được sự hài hòa. Mình hi vọng thông qua triển lãm này.

Tất cả các nội dung bên nhóm thư pháp làm đều là các câu ca dao, tục ngữ vì nhóm muốn đưa ca dao tục ngữ đến gần hơn với mọi người. Bình thường các bạn trẻ sẽ thấy các tác phẩm graffiti nhiều hơn, tiếp cận với câu châm ngôn, ngạn ngữ tiếng Anh nhiều.

Ở triển lãm này, các bạn trẻ sẽ một lần nữa được nhìn lại những câu ca dao tục ngữ đó. Mình nghĩ rằng một phần nhỏ này thôi cũng sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn và thêm yêu tiếng Việt", Võ Tuấn Xuân Thành chia sẻ.

Đến từ sớm để khám phá cuộc "đối thoại giữa Thư pháp và Graffiti", họa sĩ Lê Tuấn chia sẻ: "Sự trẻ hóa của các bạn yêu thích thư pháp là điều tất yếu để người ta yêu thích tiếng Việt hơn. Trước đây, chúng ta chỉ sử dụng tiếng Việt trong học hành hay truyền đạt những cái đã được dạy chứ không có cảm xúc trong đó. Các bạn trẻ đã biến tiếng Việt từ những ký tự thành hữu hình, thành những cái có hồn, gửi gắm tâm tình qua từng nét bút".

Triển lãm sẽ được diễn ra từ nay đến hết ngày 30-9 tại khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tình yêu tiếng Việt đã kết nối thư pháp và graffiti - Ảnh 3.

Tác phẩm kết hợp giữa thư pháp và graffiti do các bạn trẻ trong nhóm dự án thực hiện ngay trong lễ khai mạc triển lãm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tình yêu tiếng Việt đã kết nối thư pháp và graffiti - Ảnh 4.

Một tác phẩm ấn tượng được trưng bày trong triển lãm thể hiện sự giao lưu giữa thư pháp và graffiti - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

 Xin chào Việt NamVideo: Tân đại sứ Mỹ khai bút thư pháp đầu xuân: Xin chào Việt Nam

TTO - Trong video dài hơn 40 giây, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper "thử sức" với thư pháp nhân ngày đầu năm mới. Ông viết 4 chữ "Xin chào Việt Nam".

Nguồn bài viết