Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: 'Là F1, chị phải cách ly khi bầu sữa đang căng đầy'

3 năm trước 244
 Là F1, chị phải cách ly khi bầu sữa đang căng đầy - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để cùng TP chống dịch COVID-19 - Ảnh: T.T

Những ngày tất bật xông pha vào cuộc chiến đầy cam go này, một nữ hộ sinh Bệnh viện Từ Dũ đã có bài viết rất xúc động gởi đến Tình người nơi tuyến đầu chống dịch:

Với mệnh lệnh từ trái tim, chúng tôi không chỉ luôn trong tâm thế vượt lên sự vất vả về thể chất mà còn phải đấu tranh với những cảm xúc từ những điều nhìn thấy, nghe thấy hằng ngày, điều đó thật không dễ dàng.

Từ tâm dịch, chị đồng đội tôi bật khóc khi bản thân là F1 phải đi cách ly khi bầu sữa đang căng đầy phải xa đứa con khi chưa tròn tuổi.

Từ trong khu cách ly, đồng đội tôi là F1 khi tham gia cấp cứu bệnh nhân mắt mũi sưng húp, lo lắng khi bên ngoài đứa con gái chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT mà không người thân đưa đón. Thành phố giãn cách diện rộng mà chưa kịp mua thức ăn cần thiết cho con…

Rồi từ những chuyến đi tiêm ngừa, bản thân bị sốt nhẹ, mệt mỏi vì mất nước… rồi được xét nghiệm, một ngày chờ kết quả trong nỗi bồn chồn không yên….

Mỗi ngày từ nơi xuất phát tại Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, sự tin tưởng, tình yêu thương của mọi người, của ban lãnh đạo, gác lại những niềm riêng để lao vào cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19 vì sứ mệnh của dân tộc, vì tiếng gọi của trái tim.

Không thể đo đếm được nỗi vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh nơi tuyến đầu ngày đêm miệt mài tập trung vào công việc nhưng vẫn luôn dành cho nhau những nụ cười sau lớp khẩu trang.

Đằng sau tấm chắn bảo vệ khi trở về nơi xuất phát là những ánh mắt rạng ngời niềm tin chiến thắng, sẽ đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sức khỏe bình yên cho cộng đồng, trả lại cho mọi người cuộc sống náo nhiệt, hối hả, xông xáo như trước đây.

Cả ngày trong bộ đồ PPE khiến mồ hôi túa ra ướt đẫm lăn dài cay sè khóe mắt, mặn thấm bờ môi, tóc dính bết lại, hai bàn tay đeo găng phồng rộp. Không dám uống nước hay đi vệ sinh vì phải tiết kiệm đồ bảo hộ, khi cởi ra thì không dùng lại được.

Chúng tôi vẫn nhịp nhàng trong từng khâu hướng dẫn, đo sinh hiệu, tiêm vắc xin, theo dõi sau tiêm, hỗ trợ cấp cứu…


 Là F1, chị phải cách ly khi bầu sữa đang căng đầy - Ảnh 2.

Đồng lòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: T.T

Trong quá trình tác chiến, có không ít chuyện vui mà mỗi lần nhắc lại, ai trong mỗi chúng tôi đều xem đó là kỷ niệm đẹp.

Chuyện gần đây nhất là tại điểm tiêm lưu động có một anh chàng cao to tên T.V.Mỹ đến lượt tiêm đột nhiên la to: "Tôi sợ kim lắm, tôi sẽ chết mất". Đã vậy mặt mày anh tái xanh làm chúng tôi chựng lại, phân vân.

Thực sự mỗi khi đi tiêm ngừa, điều mà chúng tôi lo lắng nhất là sốc phản vệ sau tiêm vì ở ngoài bệnh viện, nơi không đủ phương tiện cấp cứu.

Làm sao đây, sau khi hội ý bác sĩ và nghĩ đến những nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng? Chúng tôi vừa trấn an anh chàng cao to nhút nhát kia, cũng vừa để tạo an tâm cho mọi người, quyết định tiêm cho anh.

Vừa tiêm xong anh Mỹ tím tái, có lẽ vì quá sợ! Chúng tôi cấp cứu cho anh với phương tiện sẵn có, sau một lúc anh ổn định với vẻ bối rối khi chưa chỉnh sửa quần áo xốc xếch và những tiếng la trước đó. Anh Mỹ và người nhà cảm ơn chúng tôi rối rít.

Lúc đó có một chú gần đó nói với chúng tôi: "Các cô là những cô du kích nhỏ nhắn đã đánh thắng anh Mỹ cao to kia!".

Vậy đó, bao lo lắng mệt mỏi của chúng tôi dường như bị xua tan bởi tiếng cảm ơn chân thành, bởi tinh thần vì nhau mà tiếp tục nỗ lực, dẫu bao thiếu thốn và rủi ro vây bủa.

Cảm ơn những ánh mắt rạng ngời và cùng hy vọng niềm tin chiến thắng!

 Là F1, chị phải cách ly khi bầu sữa đang căng đầy - Ảnh 3.
 Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: 'Nghẹn lòng đôi bàn tay nhăn rộp em tôi'

TTO - Những ngày này, khi cả nước đang gồng mình chung tay chống dịch, cũng như hàng triệu triệu người Việt đang hành động, em cũng âm thầm làm công việc của mình. Song, mỗi lần nhìn đôi bàn tay nhăn rộp của em, lòng tôi bỗng nghèn nghẹn.

Nguồn bài viết