Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: 'Em hai vạch rồi thầy ơi'

3 năm trước 271


 Em hai vạch rồi thầy ơi - Ảnh 1.

Cùng nhau chúng ta có thể tạo nên kỳ tích - Ảnh: NVCC

Một ngày đầu tháng 8, sinh viên báo "Em hai vạch rồi thầy ơi". Xem kỹ hình hai vạch em ấy gửi thì mình muốn... lên cơn nghén luôn!

Ký ức "hai vạch" mà không ai mong muốn

Thường thì sinh viên đang tuổi ăn tuổi ngủ, khỏe mạnh ầm ầm. Dù nhiễm COVID-19 thì cũng không đáng ngại. Nhưng với bé này là một ngoại lệ: cao hơn 1,6m mà nặng chỉ đúng 40kg!

Thầy nó đã mỏng mà nó cứ như tivi thế hệ mới nhất, siêu mỏng và siêu nhẹ. Chỉ nghĩ đến thôi, mình đã run rồi, không biết em ấy sẽ vượt qua bằng cách nào.

Lúc đó chỉ số SpO2 của sinh viên này chỉ có 92-93 (với chỉ số này đã phải chụp ống thở rồi). Điểm tích cực duy nhất là những triệu chứng tăng nặng khác như tức ngực khó thở không xuất hiện.

Nhập viện hay ở nhà? Gọi cấp cứu hay đi xe máy? Báo gia đình (ở quê) hay im lặng?

Chưa bao giờ mình lại được trao niềm tin để quyết định nhiều thứ khó khăn đến vậy. Bản thân mình học hóa chứ đâu có học y, chả nhẽ lên lầu tìm cây nào nhiều lá rồi ngồi bứt để chọn? Bà cô thân nhất thì cũng đang trong vai F1 với đủ thứ chuyện stress, không thể nào báo được.

Thôi thì la làng lên vậy. Mình ăn vạ từ Quảng Ngãi cho tới khắp các quận ở Sài Gòn, từ thanh niên, trung niên cho đến cao niên, từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho đến giáo sư, ai đang khỏe mạnh và có tiềm năng là mình cầu cứu tất.

Phụ huynh ở Quảng Ngãi dùng mọi thủ đoạn và tiềm lực "chính trị" để "nắm đầu" một cơ số đệ tử là bác sĩ đang chiến đấu trong những bệnh viện tuyến đầu ở Sài Gòn để xin lời khuyên. Nhỏ em trong bệnh viện cũng tranh thủ nhan sắc của mình để dụ dỗ mấy anh bác sĩ hỗ trợ. Thầy cô trong bộ môn cũng tận dụng khả năng "hóng chuyện" bẩm sinh của mình để cập nhật tình hình ở các bệnh viện.

Nói thật, với chỉ số SpO2 đó, cô cậu nên được nhập viện ngay lập tức. Nhưng cái thể trạng yếu ớt đó mà vào viện, nhìn cảnh đau thương ở bệnh viện, chắc nó tự quéo luôn. Thôi thì liều một phen, nhờ con chị cùng nhà giúp em xông với củ hành và gừng, ngậm nước muối, ăn cháo, uống thuốc hạ sốt rồi đi ngủ. Ngày mai xem tình hình rồi tính tiếp.

Đêm đó quả thật rất dài. Bà chị thân yêu của em thì cứ bấn loạn lên và hỏi mình giờ phải làm sao. Mình run chớ, cô nhỏ ngủ cách ly một mình trong phòng, lỡ có chuyện gì, nhưng cũng phải động viên nhau bình tĩnh. Đang thiu thiu ngủ, điện thoại lại tít tít. Tim muốn phọt ra ngoài.

"Anh ơi, em bật máy lạnh cho út của em ngủ nha, nhà em có một cái quạt à, nó mà xài thì em không có, chưa mắc COVID thì em cũng chết vì nóng rồi, em nực quá anh ơi". Tui lạy, đang "diễn" cái nét lo mà sao em cứ bắt anh cười hoài vậy. Chả nhẽ nửa đêm phải vượt chốt qua ngồi quạt cho em ngủ?!

Một tia hy vọng lóe lên giữa bầu trời mờ mịt

Sáng hôm sau chỉ số O2 lên được 95, trong phạm vi an toàn. Bên y tế phường cũng đã tiếp nhận và khuyên ở nhà an dưỡng và theo dõi. 

Mỗi ngày với mình bây giờ chỉ toàn là những câu hỏi, nhiệt độ nhiêu, O2 nhiêu, ho không, khó thở không, rát họng không, sổ mũi không, xông chưa, thuốc chưa, ăn chưa, sữa chưa... Không biết, sau này phụ huynh ốm, mình có chăm sóc kỹ đến vậy hem nữa. Thiệt tình...

Sau đó hai ngày, cô bé lại thêm triệu chứng đau buốt cổ họng và ho ra máu. Chết mất! Lỡ nó có chuyện gì, chắc tui sống trong ân hận cả đời. Lại xin ý kiến tổ tư vấn.

May mắn thay lần này có thêm bà chị trong trường xuất thân từ Đại học Y dược TP.HCM. Đúng nghề của chị ấy rồi, kê toa liền. Cô cậu đỡ hẳn. Tiếp theo thì hot girl của bệnh viên chỉ định lúc này đã "đúng người, đúng thời điểm", dập kháng sinh và kháng viêm vô liền để trị viêm họng và viêm đường hô hấp trên.

Ơn trời, chiến lược điều trị theo hình thức "yêu đời và tám chuyện" đã có hiệu quả. Mấy ngày sau, dù còn yếu ớt nhưng cô bé đã bảo vệ luận văn ngay tại giường bệnh của mình. Và cũng âm tính cùng ngày. Đúng là song hỉ lâm môn với nó và cả với mình, hu..hu hic…hic.

Chắc em ấy cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được đời sinh viên của mình lại kết thúc một cách đầy éo le và ngặt nghèo đến vậy. Nhưng cũng đáng giá lắm chớ. Sau này, nếu có rơi vào một hoàn cảnh khó khăn khác, cứ nghĩ lại tháng 8-2021 để mà có thêm ý chí để mạnh mẽ vượt qua.

Cảm ơn tất cả mọi người đã tận tình giúp đỡ và đồng hành cùng ca bệnh "mong manh như sương mai" này. Từ đây, kinh nghiệm trị bệnh và xài đông tây y kết hợp của mình lại được nâng lên một tầm cao mới, nhưng không bao giờ muốn được mang ra để xài lần nữa đâu.

Cũng không quên chúc mừng 13 đệ tử đã hoàn thành luận văn một cách xuất sắc giữa thời COVID-19 đầy bi ai. Ban đầu nhóm nhỏ được sếp phân ra chỉ có 11 thôi. Trên đường đi lấy kinh... nghiệm, thu nhận thêm 2 đồ đệ bơ vơ giữa dòng đời. 

Số 13 đúng xui thiệt, hư lên hư xuống, làm hoài không ra lại phải phong tỏa vì COVID nhưng mà có thêm các thầy mà, 13+ nên kết thúc thiệt là có hậu hén.

Đúng thật là cùng nhau chúng ta có thể tạo nên kỳ tích!

"Tôi xin chia sẻ câu chuyện cùng mọi người như một lời động viên giữa những căng thẳng của đại dịch COVID-19 trên chính thành phố thân yêu của chúng ta. Câu chuyện của những con người, tuy họ không làm gì to tát, nhưng trong tôi, họ chính là những anh hùng giữa đại dịch vì đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng đại dịch, chiến thắng khó khăn cũng như chiến đấu bản thân".

Lê Phan

 Em hai vạch rồi thầy ơi - Ảnh 3.
 Ba lại xa con biết đến bao giờTình người nơi tuyến đầu chống dịch: Ba lại xa con biết đến bao giờ

TTO - Bác sĩ với nhiệm vụ chính là cứu người. Trong đại dịch COVID-19, những người làm ngành y lại càng tự đòi hỏi nhiều hơn. Hằng ngày, đằng sau bộ đồ bảo hộ tưởng chừng như lạnh lùng ấy, đội ngũ y bác sĩ cũng có bao trăn trở về lý tưởng, gia đình.

Nguồn bài viết