Tình nguyện viên TP.HCM về Sóc Trăng chống dịch: 'Mọi người thương lắm'

3 năm trước 229
 Mọi người thương lắm - Ảnh 1.

Quân lấy mẫu cho người dân tại Sóc Trăng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Anh Quân (sinh năm 2002, Q.8, TP.HCM) phải xin gia đình rất nhiều ngày để được đến huyện Kế Sách (TP Sóc Trăng) chống dịch.

Quân là 1 trong 24 tình nguyện viên tại TP.HCM tham gia Đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng (từ ngày 25-10, dự kiến đến 30-11).

Quê nội và ngoại của Quân ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Khi thấy quê hương miền Tây của mình bị dịch, bạn quyết định về giúp.

"Mình từng là tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 16. Mình còn tham gia tìm F0 tại địa phương. Thấy quê hương bị dịch nặng nề, mình không cầm lòng được nên đăng ký tham gia đội hình tình nguyện. Khi nghe tin mình đi, ông bà nội ngoại cản nhiều lắm. Ba mình phải năn nỉ mẹ lâu lắm, mẹ mới chịu cho mình đi", Quân chia sẻ.

Quân kể, người dân ở Sóc Trăng rất quý tình nguyện viên, thường cho đội nhiều bánh trái.

"Nhiều hôm, tụi mình đi giải mẫu gộp xuyên đêm. Cực, mà nghĩ đến cảnh toàn miền Tây kiểm soát được dịch nên đứa nào cũng ráng làm", bạn chia sẻ.

 Mọi người thương lắm - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên cố gắng hết sức để truy vết F0 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vũ Hoàng Trường (sinh năm 2002, Q.Tân Bình, TP.HCM) nhớ nhất cảnh người dân chặt dừa và mang trái cây đến tận nơi nghỉ ngơi cho tình nguyện viên đỡ khát sau khi làm xong nhiệm vụ.

Trường kể, họ thường lại hỏi các bạn có cực không, đồ ăn có ăn được không.

Bạn nói: "Mình chứng kiến nhiều người ra đi khi làm tình nguyện viên trong bệnh viện điều trị COVID-19, nên quyết tâm đến Sóc Trăng để chung tay chống dịch. Cũng như Quân, ban đầu ba mẹ mình không cho. Mình khuyên, hứa nhiều, cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý. Mình chỉ mong miền Tây kiểm soát được dịch để người dân quay trở lại đời sống bình thường. Sáu tháng rồi, mình chỉ gặp ba mẹ trên màn hình điện thoại. Mình nhớ và muốn trở về nhà lắm".

 Mọi người thương lắm - Ảnh 3.

Nhiều khi các bạn làm việc xuyên đêm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Còn Trần Hoài Nam (sinh năm 2002, Q.12, TP.HCM) giữ trong tim kỷ niệm đẹp khi được các nhân viên y tế và người dân ở đây hỗ trợ rất nhiều. Nam ăn chay, khác biệt với mọi người nên được các chị nấu riêng. "Ban đầu, mình chưa thích nghi với thời tiết, ngôn ngữ, nhưng sự thân thiện đã khiến mọi khoảng cách được xóa nhòa", bạn cho hay.

Trong khi đó, mệnh lệnh từ trái tim của Bùi Quang Ngọc Tân (sinh năm 1996, quê tại Buôn Ma Thuột, sinh sống tại TP.HCM) xuất phát từ việc người thân của anh mất vì COVID-19.

"Trải qua nhiều lần trực chốt, đi phun khử khuẩn, lấy mẫu truy vết, cấp cứu oxy hay mai táng miễn phí, mình thấy bản thân còn may mắn hơn một số người. Khi TP.HCM tạm ổn, mình quyết định lên đường hỗ trợ các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Sóc Trăng. Nhiều lúc mình cũng mệt mỏi, nhưng nhìn thấy nụ cười của người dân như tiếp sức cho mình trong cuộc chiến chống dịch. Mình chỉ mong sao các tỉnh miền Tây và đất nước Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19", Tân nói.

Khi hình ảnh của nhóm tình nguyện viên được chia sẻ lên mạng xã hội, dân mạng tới tấp gửi lời chúc các bạn nhiều sức khỏe để giúp đất nước mau hết dịch.

Theo anh Nguyễn Hoài Bảo (phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM, đội trưởng Đội hình tình nguyện phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng), đội hình tình nguyện gồm 24 tình nguyện viên thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ công tác tiếp nhận, vận chuyển bình oxy tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 huyện Trần Đề, hỗ trợ công tác triển khai các đội hình tình nguyện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Sóc Trăng; hỗ trợ vận chuyển F0 đến các khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị COVID-19; hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát, truy vết người nhiễm COVID-19; thực hiện các nhiệm vụ khác Ban thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, Ban thường vụ Tỉnh đoàn Sóc Trăng phân công. Thời gian hoạt động từ ngày 25-10, dự kiến đến 30-11.

Họ mang theo tinh thần nhiệt huyết, kinh nghiệm của TP.HCM để giúp tỉnh Sóc Trăng vượt qua dịch bệnh nhanh chóng.

Tình nguyện viên mang cả ‘gia tài’ đi chống dịchTình nguyện viên mang cả ‘gia tài’ đi chống dịch

TTO - Nhiều bạn chia sẻ rằng vì ở nhà quá lâu, buồn tay buồn chân nên viết đơn đăng ký đi làm tình nguyện viên hỗ trợ phòng dịch. Có người được 1 tháng, nhưng cũng có người đã theo công việc này được 3 tháng nay.

Nguồn bài viết