Ghi nhận thêm 1.102 ca mắc mới/ngày
Trong ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận thêm 1.102 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, đến 19 giờ ngày 5/7, Việt Nam đã có tổng cộng 19.164 ca ghi nhận trong nước và 1.871 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 17.594 ca, trong đó có 5.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Có 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
Ngày 5/7, có thêm 203 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 516 ca. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đến nay là 90 ca. Số ca điều trị khỏi là 8.022 ca.
Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Ngày 5/7, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) thông báo về 4 ca tử vong mới ghi nhận. Các trường hợp tử vong đều cao tuổi (từ 68-88 tuổi), ở khu vực các tỉnh phía Nam, với các bệnh nền nặng. Như vậy, đến nay nước ta đã ghi nhận 90 trường hợp bệnh nhân COVID-19 bị tử vong.
Từ 0 giờ ngày 6/7, phong toả phường Tân Phú (TP Hồ Chí Minh)
Chiều 5/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã có quyết định về việc thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với phường Tân Phú để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trừ khu công nghệ cao, phạm vi phong tỏa toàn bộ phường Tân Phú gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố, với diện tích 351 ha, gồm 12.008 hộ, 34.750 nhân khẩu. Thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/7/2021 đến khi có thông báo mới.
Trong thời gian phong tỏa cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực cách ly, trừ nhân viên y tế thực hiện công vụ khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt.
Khu vực phong tỏa phải đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty.
Trường hợp cá nhân không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế thi hành theo pháp luật.
Thời gian phong tỏa ít nhất 14 ngày hoặc kéo dài thời gian hơn (tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh).
Người ra vào TP Hồ Chí Minh chỉ phải quét mã QR
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, sáng 5/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Dương Anh Đức nêu nhận định: “Cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh, trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của virus”. Theo đó, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10/CT-UBND, có nghĩa, tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn thành phố và tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên các khu vực hẹp bên trong. TP Hồ Chí Minh thống nhất quan điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố để hàng hóa lưu thông, không bị ách tắc.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh khuyến nghị, người có việc thật sự cần ra vào thành phố, phải thực hiện theo Công điện của Bộ Y tế trong việc thực hiện xét nghiệm. Thành phố sẽ triển khai nhanh các hệ thống kiểm soát người được xét nghiệm trước khi ra vào thành phố. Tại các điểm kiểm soát, người ra vào thành phố chỉ cần quét mã QR code. Trong trường hợp có quy định mới liên quan đến việc đi lại, người dân phải được thông báo trước 24 giờ. Thành phố đang tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan Trung ương để hoàn thành hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Trao quà hỗ trợ người làm sân khấu có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19
NSƯT Trịnh Kim Chi và các thành viên trong Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh, Quỹ chăm lo nghệ sĩ đã vận động anh chị em nghệ sĩ, bạn bè, các nhà tài trợ cùng hỗ trợ tiền và hàng hoá cho 178 người làm hậu đài, công nhân sân khấu, kỹ thuật viên... đang làm việc tại 15 sân khấu ở TP Hồ Chí Minh.
Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, sau đợt hỗ trợ này, Hội sẽ tính đến các đối tượng khó khăn tiếp theo là những văn nghệ sĩ hoạt động trên các lĩnh vực có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề trong dịch COVID-19.
Ổ dịch Công ty Wanek 2 (Bình Dương) ghi nhận trên 110 ca mắc COVID-19
Ngày 5/7, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 131 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó từ 15-18 giờ ngày 5/7, ghi nhận 114 ca mắc mới.
Ổ dịch Công ty Wanek 2 ghi nhận trên 110 ca mắc COVID-19 trong ngày. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương số ca mắc tăng nhanh do xảy ra nhiều ổ dịch tại Công ty Wanek với trên 110 ca ở khu cách ly vừa được phát hiện ngày 5/7.
Đáng quan tâm hơn, qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trước kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (phường Tân Bình, thành phố Dĩ An) phát hiện một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, còn phát hiện 3 ca tại cơ sở y tế; 4 ca trong cộng đồng đang điều tra dịch tễ. Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 766 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, 1 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập các bệnh viện ở Đồng Tháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, tính từ ngày 24/6 đến sáng 5/7, Đồng Tháp ghi nhận 259 ca mắc COVID-19, truy vết được 1.093 trường hợp F1 và 1.673 trường hợp F2; đang điều trị 228 ca bệnh. Tỉnh hiện có 4 "điểm nóng" với các ổ dịch ở: Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Xí nghiệp May 6 (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc); UBND huyện Lấp Vò; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Châu Thành.
Tại những nơi trở thành "điểm nóng" có số ca lây nhiễm tăng cao, các địa phương này đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức "nguy cơ rất cao", thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày (từ 18 giờ ngày 1/7 đối với thành phố Sa Đéc; 12 giờ ngày 2/7). Riêng, UBND huyện Lấp Vò cũng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức "nguy cơ cao" tại xã Tân Khánh Trung, Định Yên và Bình Thạnh Trung. Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc vẫn xuất hiện các ca mắc COVID-19, do đó, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thiết lập cách ly y tế tạm thời đối với bệnh viện này. Ngân hàng Agribank huyện Châu Thành ngưng hoạt động.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, Đồng Tháp sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Phát hiện F0 ở đâu phong tỏa cục bộ ở đó để thực hiện truy vết, không làm quá rộng nhưng xuất hiện ở đâu khu biệt ở đó.
Bà Rịa-Vũng Tàu sắp xếp cho công nhân ăn, ở tại chỗ tránh lây lan dịch
Ông Lê Xá, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu, huyện Châu Đức và Đất Đỏ với 315.418 lao động, 18.270 cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp. Riêng trong khu công nghiệp có 64.418 lao động tại 13 khu công nghiệp đang hoạt động. Số lao động ngoài tỉnh trên địa bàn là 33.565 người (trong đó 1.560 lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên đi về mỗi ngày).
Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, Ban Quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ quy định đối với việc ngưng tổ chức xe đưa đón chuyên gia, người lao động hàng ngày ra ngoài tỉnh.
Hiện nay, khoảng 80% lao động ngoại tỉnh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã được tạm thời bố trí ở nhà làm việc online hoặc thuê khách sạn, phòng trọ cho chuyên gia, người lao động tạm trú gần khu vực nhà máy, công ty.
Để ứng phó với trường hợp xảy ra ca mắc COVID-19 tại doanh nghiệp khu công nghiệp, hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đã xây dựng kế hoạch, bố trí chỗ ăn nghỉ ở nơi làm việc cho người lao động trực tiếp (gồm cả người có hộ khẩu Bà Rịa-Vũng Tàu đang thuê nhà trọ) trong tháng 7/2021, để vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định vừa hạn chế việc đi lại tiếp xúc, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã tổ chức kiểm tra việc bố trí lưu trú tạm thời. Nhìn chung các doanh nghiệp đã đảm bảo điều kiện về hậu cần, an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch.
4 người cùng làm việc ở chợ cá Bình Điền bay về Thanh Hóa, xét nghiệm mắc COVID-19
Tối 5/7, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh Thanh Hóa vừa ghi nhận 8 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca mắc mới và 4 ca tái dương tính.
Theo đó, 4 trường hợp mắc mới đều có địa chỉ thường trú tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. Bệnh nhân đều là nữ, có yếu tố dịch tễ liên quan là cùng làm việc tại chợ cá Bình Điền, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh. 4 bệnh nhân cùng về Thanh Hoá ngày 3/7, trên chuyến bay VN286 lúc 22 giờ 40 phút, sau đó đi taxi về khu cách ly huyện Vĩnh Lộc.
4 ca tái dương tính có địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc và huyện Vĩnh Lộc, trong đó 3 ca có địa chỉ thường trú tại xã Minh Sơn và xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc là các trường hợp đã điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Hà Nội) trở về địa phương. Ca tái dương tính còn lại có địa chỉ thường trú xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, làm việc tại Khu Công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, bị bệnh ngày 26/5, đã điều trị khỏi bệnh, đi xe về Thanh Hoá lúc 20 giờ ngày 2/7, đến ngày 5/7 có kết quả xét nghiệm tái dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ huyện Vĩnh Lộc cũng như chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Hiện các bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Phổi Thanh Hoá cách ly, điều trị.
Hà Nội thông tin về ca dương tính mới với SARS-CoV-2 tại huyện Mỹ Đức
Tối 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa thông tin về trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại huyện Mỹ Đức.
Theo đó, qua sàng lọc lần 1, đã phát hiện trường hợp dương tính là bệnh nhân L.V.C, nam, sinh năm 1982 địa chỉ tại An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội; là lao động tự do.
Ngày 13/6/2021, anh L.V.C cùng anh Đ.Đ.Đ, sinh năm 1988, địa chỉ tại Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam (anh Đ là người buôn bán xe tải, máy xúc; có triệu chứng bệnh từ 1/7, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam làm xét nghiệm PCR dương tính ngày 5/7) đi từ Hà Nội vào huyện Hoàng Mai, Nghệ An để bán xe cho khách, sau đó bắt xe khách đi về Hà Nam trong ngày. Buổi tối, anh L.V.C ngủ lại nhà anh Đ.Đ.Đ. Ngày hôm sau, anh L.V.C về nhà và không đi đâu chỉ tiếp xúc với vợ và 3 con.
Ngày 23/6, anh L.V.C cùng vợ con đến nhà bố mẹ vợ tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến 23 giờ đêm thì về nhà.
Ngày 28/6, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, đến ngày 5/7 vẫn còn sốt, ho, đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức được làm xét nghiệm test nhanh dương tính. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được chuyển Bệnh viện đa khoa Hà Đông xét nghiệm cho kết quả dương tính sàng lọc lần 1, mẫu bệnh phẩm đã được gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội để làm xét nghiệm khẳng định.
Theo kết quả điều tra, 4 người trong cùng gia đình bệnh nhân (vợ và 3 con) đều có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, được lấy mẫu xét nghiệm nhanh đều cho kết quả dương tính.
Hiện tại mẫu bệnh phẩm của 4 người trong gia đình bệnh nhân đã được gửi lên Trung tâm Kiêm soát bệnh tật Hà Nội để làm xét nghiệm khẳng định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã cử đội cơ động xuống thực địa để phối hợp với Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý dịch.
Hà Nội có 1 ca dương tính mới tại Đông Anh
Cũng trong tối 5/7, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca dương tính mới COVID-19 làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh.
Cụ thể: Ca dương tính với SARS-CoV-2 là nam thanh niên, làm bảo vệ một công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long. Bệnh nhân là H.V.H (sinh năm 1986), địa chỉ Mai Châu, Đại Mạch, Đông Anh. Bệnh nhân là bảo vệ tại công ty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ngày 26-27/6 bệnh nhân có tiếp xúc với anh trai và 2 cháu tại Bắc Giang. Ngày 4/7, sau khi anh trai và 2 cháu có kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh được xét nghiệm test nhanh, kết quả dương tính. Ngày 5/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện). Kết quả điều tra sơ bộ có 36 F1 tiếp xúc gần bệnh nhân đã được đi cách ly.
Ngay trong đêm 5/7, Trung tâm y tế huyện Đông Anh phối hợp đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1.500 công nhân của công ty. Những công nhân này sẽ ở lại công ty cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Hà Nội có 20 người liên quan đến ca F0 trốn cách ly từng đến bến xe Mỹ ĐìnhHà Nội vừa điều tra được 20 trường hợp có liên quan đến ca F0 trốn cách ly ở Bắc Giang, từng đến bến xe Mỹ Đình để bắt xe về Hà Giang.
Sáng 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, ngay sau khi nắm thông tin về chuyến xe khách từ Bắc Giang đến Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), trên xe có trường hợp bệnh nhân COVID-19 (F0) đang điều trị tại Bệnh viện 110 Bắc Giang trốn viện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan điều tra, xác minh về trường hợp này.
Theo kết quả điều tra, có 20 trường hợp có liên quan từ khi bệnh nhân xuống xe đến khi bệnh nhân lên xe đi Hà Giang. Hiện nay, các đơn vị đã lấy mẫu 2 trường hợp tiếp xúc ở bến xe Mỹ Đình để gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm. Đồng thời, đơn vị cũng đã liên hệ chuyển F1 đi cách ly tại khu cách ly tập trung Tứ Hiệp. Các đơn vị phối hợp phun khử khuẩn khu vực liên quan tại bến xe Mỹ Đình. Cách ly y tế các trường hợp liên quan tại nhà theo quy định.
Đề xuất cho học sinh Hà Nội trở lại trường từ ngày 10/7
Ngày 5/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã trình UBND thành phố xem xét, đồng ý cho học sinh các cấp, từ bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố tiếp tục đến trường học trở lại từ ngày 10/7 đến ngày 24/7 để hoàn thành các nhiệm vụ công tác của năm học 2020 – 2021 phải tạm dừng để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.
Trong thời gian học trở lại trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo và hướng dẫn.