Không có ngưỡng an toàn khi sử dụng rượu bia
22 giờ ngày 1/3, đội CSGT Phú Lâm (Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh) chốt trực kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Kinh Dương Vương – Đường số 10 (Phường 13, Quận 6). Sau gần một giờ làm việc, chốt trực đã kiểm tra gần 10 trường hợp, phát hiện 4 người vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 1 trường hợp vi phạm ở mức cao là nam thanh niên L.V.H. (33 tuổi, quê Đồng Tháp). Khi lái xe máy lưu thông đến đèn đỏ ở giao lộ có biểu hiện không tỉnh táo, lực lượng làm nhiệm vụ yêu anh H. vào chốt kiểm tra. Qua kiểm tra, anh H. có nồng độ cồn mức 0,414 mg/l khí thở, CSGT đã lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ. Theo anh H., sau ca tối làm việc tại quận 7, anh đã uống 2 lon bia cùng đồng nghiệp. Anh H. chấp nhận ký vào biên bản và cam kết sau vụ việc này sẽ không lái xe khi đã uống rượu bia.
Tương tự, khoảng 20 giờ ngày 12/3, tổ công tác Y11/141 đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) chốt trực tại nút giao Lê Trọng Tấn - Khu đô thị Park City, quận Hà Đông đã yêu cầu dừng xe ô tô 30H- 484xx do lái xe V.Đ.N. (sinh năm 1995, quê Phú Thọ) điều khiển. Dù được giải thích, lái xe N. vẫn không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, còn yêu cầu tổ công tác cho xem kế hoạch tuần tra, dùng điện thoại quay clip, gọi người nhà đến… để gây áp lực với CSGT. Sự việc kéo dài đến 23 giờ cùng ngày, gây ùn tắc giao thông và sau đó trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời lẽ vu khống tổ công tác Y11/141. Tổ công tác đã kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm với lái xe N., với mức kịch khung 40 triệu đồng, tước bằng lái 22 - 24 tháng, tạm giữ ô tô 7 ngày…
Thực tế trên cho thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của CSGT cả nước không phải là hô hào khẩu hiệu. Đa số người dân đồng tình với sự kiên quyết này. Thậm chí có quan điểm cho rằng, việc tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu khi lái xe là phù hợp. Hơn nữa, mức phạt cao đến vài chục triệu đồng, tước bằng lái mức kịch khung, tạm giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng, thể hiện sự nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với vi phạm. Tuy nhiên, cũng vẫn còn những cá nhân vi phạm có phản ứng và cho rằng lực lượng CSGT “cứng nhắc” trong quá trình xử lý vi phạm. Họ bao biện “chỉ uống một cốc bia, vẫn còn tỉnh táo… có gì đâu mà bị xử phạt”.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, có thể khẳng định hiện nay không có ngưỡng an toàn nào cho việc lái xe khi đã sử dụng rượu bia. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu, kết luận về vấn đề này. Đã uống rượu bia thì không lái xe, vì khi tham gia giao thông, tác động của nồng độ cồn lên hệ thần kinh sẽ làm suy giảm chức năng điều khiển thị giác, thính giác, làm giảm khả năng tác động tới cơ bắp của cơ thể người. Chỉ cần một vài giây mất tập trung thoáng qua đã có thể gây ra các tai nạn giao thông (TNGT).
“Nhiều ý kiến hiện nay phản biện, một số trường hợp người dân chỉ ăn hoa quả, thực phẩm lên men, uống nước có gaz… cũng có thể sinh ra nồng độ cồn. Ở góc độ y khoa cho thấy, mức độ phân rã của hoa quả, thực phẩm lên men và rượu bia khác nhau. Đối với rượu bia, khả năng thẩm thấu vào máu, khí thở lâu hơn, thời gian phân rã dài hơn, còn đối với hoa quả, thực phẩm lên men ngắn hơn. Có người uống 2 lít rượu chưa say, và có người uống 1 chén rượu đã say, nhưng rõ ràng các hành vi của người đã uống rượu thì không như người bình thường… Đối với các trường hợp này, lực lượng CSGT với kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng xử lý linh hoạt, đảm bảo có tình, có lý, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Do đó, có thể khẳng định không có ngưỡng an toàn khi đã uống rượu bia lái xe”, TS Nguyễn Huy Quang khẳng định.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 14/12/2022 đến ngày 10/3/2023, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý khoảng 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng và vi phạm nồng độ cồn chiếm tỷ lệ 20% vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Lực lượng CSGT đã vào cuộc quyết liệt, với tinh thần không có vùng cấm, càng cho thấy cần thiết phải hình thành thói quen không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Việc loại bỏ nguyên nhân TNGT do rượu bia đang là vấn đề cấp thiết.
Tiếp tục tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm
Cục CSGT thông tin, từ nay đến cuối năm sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp hóa trang khi kiểm tra nồng độ cồn gần các nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện… Trên tuyến đường bộ, các đơn vị CSGT tuần tra căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện, có thể phối hợp lực lượng khác thành lập tổ chuyên đề để xử lý vi phạm theo kế hoạch trên tuyến, địa bàn được giao.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, khi phát hiện vi phạm phải xử lý ngay, không được bỏ sót, bỏ lọt; các trường hợp không chấp hành kiểm tra, cản trở, lăng mạ, chống đối, bỏ chạy… kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên… ngoài việc xử lý vi phạm, sẽ thông báo về cơ quan, tổ chức đảng để xử lý theo quy định. Song song với công tác kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi lái xe, gây nguy hiểm cho xã hội và người dân.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT và nhiều hành vi vi phạm khác. Kế hoạch 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an về xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã bước đầu thành công, góp phần kéo giảm TNGT, hạn chế các vụ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT), nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
“Quan điểm của Cục CSGT là sự phản ánh, giám sát của người dân đối với CSGT là niềm cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ và là những bài học để CSGT đúc rút kinh nghiệm, đảm bảo ATGT, hạn chế TNGT, vì nhân dân phục vụ. CSGT sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu bia khi lái xe”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.
Việc xây dựng văn hóa giao thông “đã uống rượu bia, không lái xe” cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình cần nhắc nhở người thân chấp hành luật giao thông nghiêm túc và hãy biết từ chối uống rượu bia khi lái xe hoặc đã uống rượu bia thì sử dụng phương tiện vận tải công cộng, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
Ứng phó với đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, trên thị trường và mạng xã hội đang xuất hiện nhiều người bán máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên qua kiểm tra, toàn bộ hàng hóa đều không có nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, siết chặt quản lý, nhằm vừa phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa đẩy lùi vấn nạn lợi dụng rượu bia chống người thi hành công vụ.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG Phạm Việt Công: Gắn trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể
Ủy ban ATGTQG phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ xây dựng Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với chủ đề thượng tôn pháp luật là Xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Trong đó, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn là một trong những biện pháp trọng tâm, kết hợp với tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân “Đã uống rượu bia không lái xe”. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong quản lý cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đối với việc sử dụng rượu bia theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội): Xử lý công tâm, minh bạch lỗi vi phạm
Trong quá trình tuần tra, chốt trực, phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn, các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đều được ghi lại bằng hình ảnh qua camera giám sát trang bị cho các tổ, đội CSGT làm nhiệm vụ, để người vi phạm tâm phục, khẩu phục và đảm bảo quy trình xử phạt công tâm, minh bạch, đúng người, đúng vi phạm. Tất cả những trường hợp đã uống rượu bia lái xe đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời để ngăn chặn tai nạn. "Vùng xanh" cho nồng độ cồn chính là “đã uống rượu, không lái xe” hoặc nên đi bộ để không bị xử phạt.