Tìm cách giữ chân người lao động ở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai

3 năm trước 256
Tìm cách giữ chân người lao động ở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - Ảnh 1.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngoài các gói hỗ trợ của cơ quan này, địa phương, công đoàn cơ sở cần tăng cường xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ lao động ở lại nhà máy sản xuất - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG

Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một bộ phận công nhân và người lao động đã rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê tự phát.

Cơ quan này cho hay: "Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển và an toàn với dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến".

Thiếu hụt lao động trở nên "nóng hơn" khi dịch COVID-19 dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới", "thích ứng, an toàn, linh hoạt".

Do vậy, Công đoàn Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động hiện ở khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc hoặc qua ứng dụng công nghệ thông tin không tự phát về quê, rời nơi đang cư trú.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn cơ sở cần bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.

Bên cạnh đó, công đoàn địa phương nên viết thư, nhắn tin mời người lao động đã về quê trở lại doanh nghiệp; bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp... 

Trước mắt, Công đoàn Việt Nam nhấn mạnh việc công đoàn cơ sở hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

"Việc được tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả", Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn cơ sở lưu ý đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong xác nhận, hoàn thiện thủ tục để người lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Yes Center, cho biết khoảng 200 doanh nghiệp Yes Center đã tiếp cận và kết nối trong thời gian này đang có nhu cầu tuyển dụng lên đến 50.000 - 52.000 chỉ tiêu. Theo đó, Yes Center cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tập trung lớn nhất ở các ngành thương mại dịch vụ, kinh doanh, bán hàng, giao nhận, kế toán, ngân hàng, lập trình viên.

Đối với khối ngành sản xuất, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào kỹ sư, công nhân cơ khí, công nhân các ngành chế biến, may mặc, sản xuất bánh kẹo, linh kiện điện tử. Đồng thời, hiện nay các đơn vị cũng đang tuyển thực tập sinh cho các chương trình ký kết với CHLB Đức, Nhật Bản.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FAMIL), nhu cầu nhân lực quý 4-2021 của TP.HCM sẽ ở mức 44.000 - 57.000 chỗ làm việc. Trong khi đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương dự báo địa phương này có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Khởi động lại thị trường lao động ở TP.HCMKhởi động lại thị trường lao động ở TP.HCM

TTO - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FAMIL), nhu cầu nhân lực quý 4-2021 của TP.HCM sẽ ở mức 44.000 - 57.000 chỗ làm việc.

Nguồn bài viết