Tên lửa đẩy SLS tại bệ phóng đặt ở Trung tâm không gian John F. Kennedy tại Florida ngày 29-8 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, việc đếm ngược đến giờ phóng đã bị tạm dừng ở phút thứ 40 khi các chuyên gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện các vết nứt ở khoang nhiên liệu của tên lửa đẩy.
NASA xác nhận sự việc và cho biết đã phải liên tục bơm hơn 700.000 galon (1 galon = 3,78 lít) oxy và hydro siêu lạnh vào tên lửa SLS để giữ nhiệt độ của khoang nhiên liệu không quá nóng.
Các kỹ sư NASA cố gắng hạ nhiệt độ xuống mức thích hợp để phóng, nhưng dường như đã thất bại, theo Reuters.
Nguồn tin của báo New York Times cho biết việc kiểm tra hệ thống làm lạnh động cơ là quy trình bình thường trước khi phóng tên lửa vũ trụ. Trong quá trình kiểm tra, 1 trong số 4 hệ thống dẫn khí hydro làm mát không hoạt động như thiết kế.
NASA không đưa ra ngày phóng mới, nhưng cho biết có khả năng sớm nhất sẽ vào ngày 2-9.
Được quảng cáo là tên lửa phức tạp và mạnh nhất trên thế giới, SLS đại diện cho hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng mới lớn nhất và lớn nhất mà NASA từng chế tạo.
Tên lửa cao tương đương tòa nhà 32 tầng, được phát triển trong nhiều năm với chi phí bị đội lên so với ban đầu và ra mắt trễ hơn dự kiến.
Theo kế hoạch ban đầu, tên lửa đẩy sẽ rời bệ phóng vào ngày 29-8 mang theo tàu vũ trụ Orion. Đây là chuyến bay không có người lái nhằm kiểm tra độ tin cậy của cả tên lửa đẩy lẫn tàu vũ trụ.
Orion sẽ mang theo 3 hình nộm gồm 1 nam và 2 nữ, vốn được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những căng thẳng khác mà các phi hành gia ngoài đời thực có thể trải qua.
NASA đặt mục tiêu sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng bằng tên lửa đẩy SLS vào năm 2024 hoặc 2025, sau 43 năm kể từ chuyến bay đầu tiên đưa con người đặt chân lên Mặt trăng năm 1969.
Đây là một phần trong Chương trình Artemis của NASA nhằm thiết lập một căn cứ trên Mặt trăng. Căn cứ này sẽ được người Mỹ sử dụng như một bước đệm cho các chuyến du hành xa hơn trong vũ trụ, bao gồm cả đưa người lên sao Hỏa.