Tâm điểm Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

2 năm trước 176
Tâm điểm Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (phải) ký vào sổ lưu niệm trong lúc người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen đứng cạnh (ảnh chụp ngày 9-6) - Ảnh: Reuters

Từ ngày 10 đến 12-6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ được tổ chức trực tiếp tại Singapore, nối lại sau hai năm bị hoãn vì dịch COVID-19. Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ góc nhìn của họ về hội nghị thường được gọi là "thượng đỉnh an ninh châu Á" này.

Vẫn là "cạnh tranh Mỹ - Trung"

Ông Peter Layton, nghiên cứu viên tại Viện châu Á Griffith (Úc), cho rằng năm nay Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ nhìn nhận đối thoại qua lăng kính của xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, mối quan ngại chính vẫn là sự quyết đoán của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và quân sự.

Theo ông Layton, các hành động của Trung Quốc đang bị đánh giá là tiêu cực hơn trước đây. Với Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đề xuất việc "cài đặt lại" quan hệ Trung - Úc để quay về hữu hảo như trước. Nhưng Bắc Kinh lại cũng thể hiện sự cứng rắn với máy bay quân sự của Úc ở Biển Đông hôm 16-5.

"Việc Trung Quốc mở rộng vòng tay hữu nghị ngoại giao cùng lúc với quan điểm không khoan nhượng ở nơi khác dường như là cách mà Bắc Kinh ứng xử với các nước hiện nay", ông Layton bình luận. 

Theo chuyên gia này, việc áp dụng đồng thời "cây gậy" và "củ cà rốt" không phải là quy tắc của ngoại giao thông thường. "Xét trên các diễn biến này, Trung Quốc có thể sẽ tỏ rõ quyết đoán ở Đối thoại Shangri-La năm nay", ông Layton nhấn mạnh.

Chuyên gia Layton cũng cho rằng sự tham gia của Ấn Độ tại diễn đàn lần này sẽ là "một điều thú vị" khi New Delhi có một số động thái ủng hộ Nga sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Truyền thông Mỹ sẽ theo sát các bình luận của Ấn Độ ở Shangri-La. Đồng thời, báo chí Mỹ cũng sẽ theo dõi các phát biểu của ASEAN liên quan đến Ukraine.

Bổ sung ý kiến về nguy cơ ở khu vực, ông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên tại Tổ chức con đường tiến bộ tại châu Á - Thái Bình Dương (Philippines), cho biết tham vọng của Trung Quốc về xây dựng hiệp ước an ninh với các quốc gia ở Thái Bình Dương khiến các nước lo ngại Bắc Kinh tìm kiếm con đường hoặc các căn cứ chiến lược có thể thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực.

Ông Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, cho rằng xung đột Ukraine và cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là hai chủ đề chính của Đối thoại Shangri-La năm nay và chúng có liên quan với nhau. 

Chưa rõ Mỹ và Trung Quốc sẽ thể hiện sự căng thẳng đến mức nào khi bộ trưởng quốc phòng cả hai nước đều tham dự. "Bản chất cạnh tranh Mỹ - Trung không hề thay đổi, từ khi cựu tổng thống Mỹ Trump thúc đẩy nó từ 2017", ông Kausikan nói.

Theo giáo sư Robert Ross - Trường Boston (Mỹ), cạnh tranh Mỹ - Trung là vấn đề quan trọng mà tất cả các nước đều chú tâm. Trên Biển Đông, Trung Quốc lo Mỹ "can thiệp" vào tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực, trong khi Washington bày tỏ quan ngại việc Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng. 

"Trung Quốc lo lắng về việc Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của mình, còn Washington lo ngại Bắc Kinh làm suy giảm ảnh hưởng của họ. Đó là vấn đề cơ bản của cạnh tranh", ông Ross nói.

Tăng đối thoại, giảm rủi ro

Giáo sư Ross cho biết Đối thoại Shangri-La 2022 là dịp để các đại biểu gặp gỡ và trao đổi trực tiếp sau hai năm gián đoạn. Đây là cơ hội để các nước nối lại thảo luận khi vai trò của các nhà lãnh đạo là quan trọng trong quan hệ quốc tế. Do đó, ông trông đợi các nước sẽ tăng cường trao đổi song phương bên lề diễn đàn.

Đáng chú ý, nếu bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc gặp nhau, đây sẽ là cơ hội tốt để hai bên thúc đẩy thảo luận. "Những trao đổi phi chính thức sẽ tạo thuận lợi cho ngoại giao của các bên", ông Ross nói.

Theo ông Kausikan, trong Đối thoại Shangri-La năm nay, các nước có thể tăng cường hiểu biết nhau để giảm thiểu những tính toán sai. Ông lưu ý vụ "chạm trán" giữa máy bay Trung Quốc và Úc gần đây ở Biển Đông, cho rằng các bên có thể thảo luận để ngăn chặn sự cố nguy hiểm.

Chuyên gia Pitlo bày tỏ mong muốn các nước xem xét lại và thử nghiệm cơ chế quản lý khủng hoảng và giao tiếp. "Hoặc là các quốc gia cần thiết lập các cơ chế này khi không ai ngăn chặn các sự cố mà có thể dẫn đến xung đột bất lợi cho các bên", ông Pitlo nói.

Quy mô đối thoại lớn nhất trước nay

Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra tại khách sạn Shangri-La của Singapore. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La 2022, cho biết diễn đàn năm nay có quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại.

Khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, các chuyên gia quốc phòng - an ninh... từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự.

Theo IISS, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phan Văn Giang sẽ dự và phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 ngày 11-6 với chủ đề về hiện đại hóa quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J Austin III sẽ phát biểu về các bước đi tiếp theo của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ nói về tầm nhìn của Trung Quốc với trật tự khu vực.

DUY LINH

Đối thoại Shangri-La bị hủy vì dịch COVID-19Đối thoại Shangri-La bị hủy vì dịch COVID-19

TTO - Các nhà tổ chức thông báo Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) 2021 tiếp tục bị hủy do tình hình dịch COVID-19.

Nguồn bài viết