Tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia định hướng đến năm 2030

3 năm trước 253
Chú thích ảnhMô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam Hightech ứng dụng hệ thống công nghệ nhà màng, điều khiển lưu lượng tưới, dinh dưỡng qua smartphone. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Theo đó, xét báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 973/TTr-BKHCN và công văn số 974/BC-BKHCN ngày 27/4/2021 về nguyên tắc, tiêu chí hình thành, tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ theo chức năng, thẩm quyền tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra...

Các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải đảm bảo không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông giữa các chương trình. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Mục tiêu, kết quả đạt được của các chương trình phải góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước, phát triển ra thị trường quốc tế với các ngành hàng có lợi thế tiềm năng; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh, gia tăng số lượng các công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); ưu tiên phát triển các mô hình sinh kế gắn với đặc thù của vùng, địa phương, có hệ thống các giải pháp công nghệ gắn với khai thác tài nguyên và chế biến đặc sản của vùng, miền và gắn với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Văn bản cũng nêu rõ một số định hướng nghiên cứu ưu tiên trên các lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài nguyên và môi trường và các lĩnh vực nghiên cứu về: ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh và cơ yếu; ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương; nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ...

Nguồn bài viết