Tàu sân bay Mỹ lần đầu tới Biển Đông dưới thời Tổng thống Biden

3 năm trước 338
Tàu sân bay Mỹ lần đầu tới Biển Đông dưới thời Tổng thống Biden - Ảnh 1.

Tiêm kích F/A-18F cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày 20-1 - Ảnh: US NAVY

Trong thông cáo ngày 24-1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến trong thời gian ở Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn.

"Thật tuyệt khi lại được trở lại Biển Đông sau 30 năm đi ngang dọc các vùng biển", chuẩn đô đốc Doug Verissimo - chỉ huy nhóm tàu sân bay Mỹ - nhấn mạnh trong thông cáo. Theo ông Verissimo, đợt triển khai tàu sân bay lần này là một phần trong các "hoạt động thường lệ" nhằm "thúc đẩy quyền tự do trên biển và trấn an các đồng minh, đối tác".

Theo Hãng tin Reuters, sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gây chú ý trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan bất ngờ nổi sóng. 

Hôm 23-1, cùng ngày nhóm tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông, một nhóm gồm 13 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) do Đài Loan tự tuyên bố. Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, nhóm này gồm 1 máy bay Y-8, 4 tiêm kích J-16 và 8 máy bay ném bom H-6K.

Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây sức ép với Đài Bắc và tái khẳng định các cam kết của Washington.

Tuy nhiên, dư luận Đông Nam Á lại chú ý nhiều đến sự kiện Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh mới ngày 22-1, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng ngăn chặn mối đe dọa từ các tàu nước ngoài.

Theo giới phân tích, cùng với lực lượng dân quân biển, hải cảnh là công cụ nòng cốt trong chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc nhằm quấy rối và đe dọa các bên trong tranh chấp Biển Đông. Chiến thuật này nhằm giữ căng thẳng dưới ngưỡng có thể bùng phát thành xung đột quân sự diện rộng, vừa là cách để Bắc Kinh thúc đẩy các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông.

Một số chỉ dấu gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi nội dung huấn luyện binh sĩ trên Biển Đông.

Không chỉ tăng tần suất các cuộc tập trận, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị sẵn kịch bản đụng độ với quân đội nước ngoài trên Biển Đông. Trong một video được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, các binh sĩ tham gia một cuộc tập trận trên Biển Đông đã hô các yêu cầu buộc kẻ thù đầu hàng bằng tiếng Anh.

12 máy bay Trung Quốc xấn vào ADIZ của Đài Loan trong một ngày12 máy bay Trung Quốc xấn vào ADIZ của Đài Loan trong một ngày

TTO - Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng gây sức ép với Đài Loan, sau sự kiện các máy bay ném bom và máy bay phản lực của Trung Quốc tiến vào góc tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Nguồn bài viết