Tài xế thấp thỏm trước giờ giá xăng tăng - Ảnh: BÙI VÂN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều nhóm tài xế bàn tán sôi nổi chủ đề giá xăng tiếp tục tăng vào chiều 11-5. Đứng trước cổng Giáo xứ Gia Định, ông Trần Văn Long (53 tuổi) - tài xế của GrabBike - kể lại thời điểm cách đây vài năm, ông Long nói đổ 50.000 đồng tiền xăng "dư sức" đón khách cho một ngày. Tuy nhiên, hiện nay đổ xăng tới 80.000 đồng chạy từ sáng tới chiều là "cạn thùng".
Cứ mỗi chuyến xe, không cần biết cuốc dài hay ngắn, kết thúc chuyến là app trừ gần 26%. Số tiền còn lại tài xế tự lo các chi phí như tiền xăng, điện thoại, hao mòn xe, ăn uống.
“Đường thì kẹt xe, nhiều khi mình không đến kịp chỗ đón khách là người ta hủy chuyến. Tiền xe không có, lại lỗ thêm tiền xăng” - ông Long than.
Giá xăng tăng cũng đồng nghĩa với việc thu nhập bị giảm sút khiến nhiều tài xế công nghệ tâm tư trong việc tiếp tục hoạt động trong thời gian tới
Cũng cùng tâm trạng, ông Trần Văn Dũng (50 tuổi) - tài xế của Gocar - cho hay trong lúc này khổ nhất là anh em vay tiền mua xe ôtô để chạy cho app.
Cũng từng vay ngân hàng để mua xe, ông đã trải qua cảm giác áp lực bởi khoản nợ 400 - 500 triệu đồng đè lên nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhiều tài xế đậu xe một chỗ, chứ không còn chạy vòng vòng kiếm khách như trước để đỡ hao xăng.
Dù không mất khoản tiền chiết khấu, nhưng thu nhập của tài xế xe ba gác như ông Tô Minh Hiếu (47 tuổi) cũng giảm sút không ít. Một ngày, hai vợ chồng ông Hiếu chở hàng trên chiếc ba gác kiếm được 400.000 đồng thì mất hơn 100.000 tiền xăng.
Ông Hiếu kể mới mua xe cách đây 7-8 năm, hai vợ chồng chạy xe dư được gần 1 chỉ vàng. Bây giờ giá xăng lên, mấy cái khác cũng lên theo, thu nhập nhiều khi còn không đủ sống.
Qua trao đổi với các ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Be, Gojek cho biết vẫn đang theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu để kịp thời điều chỉnh giá cước để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và tài xế.
Mới nhất ngày 9-5, Grab đã thông báo tăng thêm dịch vụ Grabtaxi ở 7 tỉnh thành như Phú Quốc, Bắc Ninh, Nghệ An... Theo bảng giá mới, Grab sẽ tính giá cước mới là 20.000 đồng cho 1,2km đầu tiên, những kilômet tiếp theo 12.500 đồng. Lý do tăng cước, Grab lý giải nhằm giúp tài xế có cơ hội gia tăng thu nhập trên mỗi chuyến xe trong giai đoạn hiện nay.
Be cũng cho biết để tiết kiệm thời gian cũng như tối ưu quãng đường vận chuyển, đặc biệt là giao hàng, hãng triển khai đơn hàng ghép. Tức cùng một quãng đường, khu vực gần nhất sẽ cho phép tài xế nhận nhiều đơn hàng cùng lúc.
Ngoài ra các hãng đang tung ra nhiều chương trình điểm thưởng để hỗ trợ một phần chi phí cho tài xế khi đáp ứng số chuyến hoạt động trong thời gian hãng quy định.
Tài xế công nghệ được vay từ 3 đến 20 triệu đồng
Bà Vũ Hoàng Yến, giám đốc điều hành ứng dụng Be, cho biết đơn vị này đã hợp tác với Ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) hỗ trợ các tài xế vay tiêu dùng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt so với các công ty tài chính tiêu dùng.
Tài xế có thể vay từ 3 đến 20 triệu đồng trong thời gian 3-24 tháng, không mất phí hồ sơ và không cần thế chấp tài sản, giấy tờ nào.
Dựa vào công nghệ xử lý dữ liệu lớn của Cake và hệ sinh thái Be Group, tài xế chỉ mất 30 giây để đăng ký khoản vay, có kết quả phê duyệt nhanh trong vòng hai phút.
Toàn bộ quá trình này đều diễn ra trực tuyến trên nền tảng ứng dụng tài xế BeDriver, tài xế không cần giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng hay phải có mặt tại chi nhánh.