TSMC kêu gọi Mỹ đưa các công ty nước ngoài vào hỗ trợ ngành chip

3 năm trước 306

Theo Nikkei, Chủ tịch Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) Mark Liu hôm 3.12 nói rằng việc không hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip nước ngoài trong chương trình trợ cấp đã được lên kế hoạch sẽ có tác động “bất lợi” đối với ngành công nghiệp chip của Mỹ.

TSMC kêu gọi Mỹ đưa các công ty nước ngoài vào hỗ trợ ngành chip - ảnh 1
Chủ tịch TSMC Mark Liu nói rằng đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp chip của Mỹ là tốt cho tất cả các bên

chụp màn hình Nikkei / Shinya Sawai vầ Cheng Ting-Fang

Ông Liu cho rằng gói chi tiêu 52 tỉ USD mà Washington đang chuẩn bị để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn theo Đạo luật CHIPS nên được sử dụng để hỗ trợ cả các công ty nước ngoài và các hãng chip Mỹ.

“Nếu đạo luật CHIPS của Mỹ chỉ dành cho các công ty có trụ sở trong nước, thì điều đó sẽ gây bất lợi cho nỗ lực khôi phục chuỗi cung ứng chip của Mỹ. Ngoại trừ Intel, tôi tin hầu hết các công ty cùng ngành của chúng tôi đều cởi mở và hoan nghênh tất cả các khoản đầu tư vào Mỹ”, ông Liu nói với các phóng viên.

Chủ tịch nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới rất vui khi thấy Samsung Electronics của Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư vào Texas, vì động thái đó sẽ giúp Mỹ xây dựng ngành công nghiệp chip. “Tôi nghĩ điều này là tích cực. Nó chứng minh quyết định đầu tư vào Mỹ của chúng tôi hai năm trước là đúng đắn”.

Bình luận của ông Liu được đưa ra một ngày sau khi Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger thúc giục Washington nên ưu tiên các công ty trong nước hơn là các nhà sản xuất chip nước ngoài như Samsung và TSMC. Hai hãng sản xuất chip hàng đầu châu Á đang đầu tư lần lượt 17 tỉ USD và 12 tỉ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến mới tại Mỹ.

Áp lực gia tăng từ các công ty trong ngành đang buộc Mỹ phải hành động nhanh chóng hơn. Theo Nikkei, 60 giám đốc điều hành của các công ty chip, ô tô, y tế và viễn thông toàn cầu đã gửi một lá thư chung hôm 1.12 để kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS, đạo luật nhằm tạo ra khuyến khích hữu ích cho việc sản xuất chất bán dẫn, và tăng cường Đạo luật FABS, đạo luật tạo điều kiện cho chất bán dẫn do Mỹ xây dựng.

Mỹ đề xuất hai đạo luật trên trong năm nay để củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn của mình, sau khi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa từng có gây ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp từ điện thoại thông minh đến máy tính cá nhân. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra cũng làm tăng thêm cảm giác cấp bách. Theo báo cáo của SIA và Boston Consulting Group, Mỹ lo ngại về việc đã mất lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, khi tỷ trọng năng lực sản xuất chip toàn cầu của nước này giảm từ 37% vào năm 1990 xuống còn 12%.

Các nền kinh tế lớn khác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua để khôi phục khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chip trước những lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều công ty bao gồm Intel, TSMC, Samsung, GlobalFoundries và Texas Instruments đã công bố kế hoạch cho các nhà máy mới ở Mỹ kể từ khi Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỉ USD được công bố lần đầu tiên.

Theo ông Liu, ưu đãi thuế dành cho những công ty công nghệ đầu tư nhà máy ở Mỹ là cần thiết cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Chi phí lao động ở Mỹ rất cao. Chi phí này sẽ dần giảm xuống khi ngày càng có nhiều công ty tham gia vào việc xây dựng ngành công nghiệp chip của Mỹ. Nhưng ở thời điểm ban đầu, ngành công nghiệp này cần sự trợ giúp”.

Hiện TSMC đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền các bang và thành phố của Mỹ để giúp các nhà cung cấp nhỏ hơn của họ đầu tư vào đó, vì TSMC cần thêm sự trợ giúp lúc đầu để xây dựng hoạt động và sản xuất của mình tại quốc gia này.

“Môi trường công nghiệp của Mỹ rất mới mẻ đối với họ. Cho đến nay các đối tác trong hệ sinh thái của chúng tôi đang đi đúng hướng với kế hoạch mua đất và xây dựng nhà máy ở Mỹ”, ông Liu nói, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ đã và đang hỗ trợ mạnh mẽ TSMC cùng các nhà cung cấp của công ty trong việc xử lý thị thực lao động.

Nguồn bài viết