Trực thăng săn ngầm của Úc rơi xuống biển Philippines

3 năm trước 265
Trực thăng săn ngầm của Úc rơi xuống biển Philippines - Ảnh 1.

Trực thăng săn ngầm MH-60R Seahawk của Hải quân Hoàng gia Úc - Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

Theo Bộ Quốc phòng Úc, máy bay gặp nạn sau khi cất cánh từ tàu khu trục HMAS Brisbane. Đây là một trong hai tàu chiến của Úc hoạt động tại biển Philippines trong đợt triển khai tăng cường hiện diện tại khu vực.

Một sự cố chưa rõ nguyên nhân xảy ra khiến phi hành đoàn chiếc MH-60R Seahawk phải "hạ cánh khẩn cấp xuống biển" trong đêm tối.

HMAS Brisbane lập tức triển khai xuồng cứu hộ và giải cứu phi hành đoàn khoảng 20 phút sau đó. Rất may mắn phi hành đoàn chỉ bị trầy trụa nhẹ sau khi trở về tàu HMAS Brisbane.

Chỉ huy Hạm đội Úc, chuẩn đô đốc Mark Hammond, đã khen ngợi thủy thủ đoàn của tàu khu trục Brisbane vì nhanh chóng ứng cứu tình huống khẩn cấp, giữ được tính mạng của các phi công.

"Việc giải cứu thành công là minh chứng cho sự tận tâm làm nhiệm vụ và kỹ năng của các sĩ quan, thủy thủ HMAS Brisbane", ông Hammond biểu dương.

Theo chuẩn đô đốc Hammond, do các phi công đã an toàn, việc điều tra các tình huống dẫn đến trực thăng bị rơi là ưu tiên hàng đầu vào lúc này. "Để đề phòng, chúng tôi đã tạm dừng các hoạt động bay của phi đội MH-60R Seahawk".

Khu trục hạm HMAS Brisbane và khinh hạm HMAS Warramunga sẽ tiếp tục tìm kiếm khu vực máy bay gặp nạn, trục vớt các mảnh vỡ máy bay để tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Hiện Bộ Quốc phòng Úc đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của tai nạn đối với hoạt động của HMAS Brisbane trong đợt triển khai tới châu Á. 

HMAS Brisbane là một trong các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mạnh nhất của Úc. Tàu được biên chế 1 trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk có thể tác chiến chống tàu ngầm, tàu mặt nước, hỗ trợ hỏa lực trên biển và tìm kiếm cứu nạn.

Vụ tai nạn xảy ra không lâu sau khi Úc loan tin nước này đã đề nghị Mỹ bán 12 trực thăng MH-60R Seahawk và các thiết bị liên quan với giá trị gần 1 tỉ USD.

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệÚc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ

TTO - Các tàu ngầm lớp Collins hiện có của Úc sẽ nghỉ hưu vào năm 2026, trong khi sớm nhất đến năm 2040 Canberra mới nhận được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Đi thuê tàu ngầm là giải pháp Úc đã chọn.

Nguồn bài viết