Hình ảnh các vụ phóng tên lửa được Triều Tiên công bố ngày 7-11 - Ảnh: REUTERS
Để ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khác, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây nhiều sức ép lẫn đề nghị đối thoại.
Mỹ đã thất bại trong chính sách?
Nhưng theo giới phân tích, Mỹ đã có sai lầm chính sách. Mới nhất, ngày 7-11, Triều Tiên tuyên bố cứng rắn sẽ đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc bằng các biện pháp quân sự "bền vững, kiên quyết và áp đảo".
Trước đó Bình Nhưỡng đã phản ứng dữ dội bằng hàng loạt vụ phóng tên lửa trong khi Washington và Seoul tổ chức cuộc tập trận Vigilant Storm (tạm dịch: Bão táp cảnh giác).
"Chúng ta đã thất bại trong chính sách. Đó là một thất bại chính sách mang tính thế hệ", Hãng tin Reuters dẫn nhận định của ông Joseph DeThomas, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc liên quan đến các lệnh trừng phạt Triều Tiên, Iran và từng phục vụ trong chính quyền của các cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.
Giới quan chức trong chính quyền của ông Biden thừa nhận các lệnh trừng phạt không thể ngăn chặn các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng ít nhất đã có hiệu quả trong việc kiềm chế nước này.
"Tôi nghĩ rằng nếu không có các lệnh trừng phạt, (Triều Tiên) sẽ còn là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều đối với các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới", một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters.
Tuy nhiên, các cựu quan chức và chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ được áp dụng và thực thi đủ lâu, trong khi thời gian qua Mỹ có phần "dễ dãi" với Bình Nhưỡng trong bối cảnh xảy ra nhiều vấn đề khác như xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan.
Theo chuyên gia Joshua Stanton, lịch sử cho thấy Triều Tiên thường sẵn sàng đàm phán trước các biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Ngoại giao có thể giảm căng thẳng?
Vậy tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ đi về đâu? Cuối tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhắc lại việc Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Nhưng giới phân tích cũng không tin vào khả năng này.
"Tôi không nghĩ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Triều Tiên. Nếu tôi là cố vấn của (nhà lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong Un, tôi sẽ nói, vâng, cứ tiếp tục.
Họ không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với (cựu tổng thống) Donald Trump, vậy thì họ sẽ nhận được gì từ chính quyền ông Biden?
Họ biết điều này. Điều duy nhất họ có thể làm là nâng tầm chương trình của mình", Hãng tin AFP dẫn lời bà Sue Mi Terry, cựu nhà phân tích của CIA về các vấn đề Triều Tiên và hiện là giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson, nói.
Trong khi đó, với chính quyền Tổng thống Biden, việc tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine và bầu cử giữa kỳ khiến chuyện quan tâm đến tình hình Triều Tiên sẽ trở nên "mệt mỏi".
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng ngoại giao có thể giúp giảm căng thẳng. Ông Frank Aum, cựu cố vấn Lầu Năm Góc về vấn đề Triều Tiên, cho rằng Mỹ có thể tiếp cận bằng các biện pháp khuyến khích như hoãn triển khai các vũ khí chiến lược và gỡ bỏ bớt trừng phạt.
"Bằng chứng thực tế rõ ràng cho thấy Triều Tiên không phản ứng tốt với sức ép và ngược lại, khi chúng ta ngoại giao với Triều Tiên, họ có xu hướng hành xử tốt hơn", ông Aum nhận định.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, thậm chí có nguy cơ Bình Nhưỡng thử hạt nhân trở lại, giới chuyên gia thậm chí thảo luận về khả năng thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, như nước này đã tự tuyên bố.
Chuyên gia kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis mới đây gây tranh cãi khi phát biểu trên tờ New York Times, cho rằng Mỹ về cơ bản đã chấp nhận rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và nên tập trung vào thảo luận về giảm thiểu rủi ro.
"Đã đến lúc chúng ta phải ngăn tình hình xấu hơn, đối mặt với thực tế và thực hiện các bước để giảm nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên", ông Lewis nói.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó khẳng định mục tiêu đối với Triều Tiên là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
"Có một sự đồng thuận toàn cầu cực kỳ mạnh mẽ... rằng Triều Tiên không nên và không được phép trở thành một quốc gia hạt nhân", một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters, cho rằng việc thay đổi chính sách sẽ mang lại hậu quả "vô cùng tiêu cực".