Trời nắng nóng, uống nước sao cho đúng?

2 năm trước 291
Trời nắng nóng, uống nước sao cho đúng? - Ảnh 1.

Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Nguyễn Huân - chuyên khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người, chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành và chiếm tỉ lệ cao hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Nước có vai trò rất quan trọng như duy trì sự ổn định của các chức năng nhận thức và thể chất, góp phần duy trì sự điều hòa thân nhiệt; tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể.

Nước cũng giữ khả năng miễn dịch tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng; đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan thải ra; giúp bảo vệ da, giữ làn da sáng, giúp cân bằng năng lượng cho cơ thể…

Vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cơ thể chúng ta tiết ra nhiều mồ hôi hơn để giải nhiệt, nên cơ thể dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Vì vậy, chúng ta cần uống nhiều nước hơn. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài và chúng ta không bù đủ nước thì tình trạng mất nước sẽ nặng hơn.

Những ngày lễ là dịp mọi người cùng nhau đi ra ngoài, vui chơi. Tuy nhiên, khi ra ngoài trời nắng nên bổ sung nước đầy đủ. Nếu không uống đủ nước, cơ thể dễ bị mất nước.

Nếu mất nước nhẹ sẽ bị chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu, lưỡi và miệng khô, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu... Mất nước nặng thường cảm giác rất khát, mệt mỏi và thờ ơ, trông nhợt nhạt, mắt trũng sâu, bứt rứt, buồn ngủ, thở nhanh hơn bình thường, nhịp tim nhanh.

Tùy từng lứa tuổi, từng trường hợp mà nhu cầu nước hằng ngày sẽ khác nhau. Theo khuyến cáo của chuyên gia, phụ nữ cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, nam giới cần khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Nếu hoạt động trong môi trường nóng hoặc nếu tập thể dục thì cần một lượng nước lớn hơn.

Ngoài uống nước, chúng ta có thể cung cấp nước cho cơ thể bằng các loại rau củ như cải thìa, cải xanh, củ cà rốt; nước ép cà chua, cam, bưởi, táo, lê, dưa hấu... Những loại nước này có chứa một số vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, rất phù hợp trong thời tiết nắng nóng.

Cần lưu ý gì khi uống nước?

- Tạo thói quen uống đủ nước hằng ngày, đừng đợi tới khi thấy khát hoặc khô miệng mới uống nước.

- Nguồn nước uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Mỗi lần chỉ uống một lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều nước cùng một lúc, tốt nhất là bạn nên rót nước ra cốc để uống.

- Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đun sôi đã để quá 2 ngày.

- Không uống nước ngay sau khi vận động mạnh.

- Các loại nước như nước ngọt có gas, đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.

Đề phòng bị viêm tai ngoài mùa nóngĐề phòng bị viêm tai ngoài mùa nóng

TTO - Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh viêm tai ngoài, tuy nhiên thường gặp nhất là trẻ em. Bơi lội thường xuyên, hay lấy ráy tai... là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Nguồn bài viết