Trồng dược liệu ở vùng đất khô cằn, nông dân thu tiền tỷ mỗi năm

2 tháng trước 45
Chú thích ảnhMọi thành phần của cây xáo tam phân đều được sử dụng là dược liệu quý, nhất là bộ rễ, cây càng nhiều năm tuổi giá trị càng cao vì tích hợp đủ các dược chất.

Thăng trầm cùng cây xáo tam phân

Năm 2010, người nhà anh Nguyễn Văn Khôn bị bệnh nặng phải tìm cách chữa trị bằng cây dược liệu xáo tam phân - loại cây được đánh giá có hoạt chất cao nhất, có tác dụng tốt cho các bệnh liên quan đến gan, hỗ trợ điều trị ung thư. Đây cũng là thời điểm cây dược liệu quý này tạo ra "cơn sốt" khiến nhiều người vào các khu rừng, đồi núi săn tìm để bán cho các cơ sở bào chế thảo dược hoặc xuất sang thị trường nước ngoài.

Qua tìm hiểu, nhận thấy giá trị của loại dược liệu quý này, anh Khôn không đành lòng khi nhìn người dân khai thác theo kiểu tận diệt, anh quyết định từ bỏ công việc kỹ sư ngành Bưu chính viễn thông ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê trồng thử cây xáo tam phân trên đất đồi của gia đình. Anh Khôn hy vọng, nếu thành công, ít nhất cũng bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu quý.

Nói là làm, gom hết tiền vốn, anh ra tận vùng đất Khánh Hòa tìm mua 1.400 cây giống xáo tam phân để chuyên tâm trồng. Đây là loại cây trồng mới ở địa phương nên khi anh phá bỏ vườn tiêu hiện hữu để trồng gặp không ít ý kiến phản đối. "May mắn cây xáo tam phân lại phù hợp để phát triển ở những vùng đất khô cằn, cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, có tuổi thọ cao nên sau khi trồng thử nghiệm cây phát triển rất tốt", anh Khôn cho biết.

Chú thích ảnhAnh Nguyễn Văn Khôn, nông dân xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai giới thiệu về những công dụng của cây xáo tam phân.

Công việc không phải khi nào cũng thuận lợi, có thời điểm vườn xáo tam phân gần 10.000 cây bị úa lá, héo thân; buộc phải đốn bỏ do phân bón kém chất lượng. Dù đã bị thiệt hại toàn bộ vốn nhưng không bỏ cuộc, anh lại vay mượn tiền từ bạn bè, người thân gây dựng lại vườn cây. "Khi mới thất bại, tôi mượn tiền những người thân nhưng không ai cho vay vì giá mua cây giống lên tới 500.000 đồng/cây. Lúc đó tôi phải nói đầu tư việc khác mới mượn được tiền để trang trải", anh Khôn nhớ lại.

Rút kinh nghiệm anh quyết định xây dựng quy trình khép kín, trồng cây theo chuẩn hữu cơ. Phương pháp nhân giống hữu tính bằng hạt cũng được thay thế bằng giâm cành vô tính do xáo tam phân thuộc họ cam, quýt, bưởi nên dễ bị thụ phấn chéo. Thực hiện phương pháp giâm cành giúp làm chủ được công nghệ, bảo tồn được nguồn gen gốc các hợp chất quý. Kể từ đó, cây xáo tam phân phát triển tốt. Theo anh Nguyễn Văn Khôn, nếu chăm sóc tốt, cây trồng sau khoảng 3 năm có thể cho thu hoạch lá, khoảng 6 năm thu hoạch thân, rễ. Cây trồng càng lâu năm giá trị càng cao vì tích hợp đủ các dược chất.

Hiện tại giá bán thân, lá cây tươi khoảng 300.000 đồng/kg. Rễ cây bán xô 1 triệu đồng/kg, hàng chọn có thể lên đến 5 triệu đồng/kg. Cứ 3 kg dược liệu tươi quy đổi được 1 kg khô. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, thu lợi hơn 1 tỷ đồng.

Mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển đa dạng sản phẩm

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Khôn còn liên kết với nông dân ở các địa phương khác mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 ha. Sau khi có nguồn nguyên liệu dồi dào, anh phát triển lên Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược liệu Tâm Tâm An để tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm thảo dược theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Năm 2020, sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân được đưa ra thị trường và nhận sự phản hồi rất tốt từ người dùng. Thời điểm hiện tại, Công ty đã sản xuất được 9 sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang; trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Chú thích ảnhAnh Nguyễn Văn Khôn đã sản xuất được 9 sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang. Trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Xác định cần xây dựng vùng nguyên liệu xáo tam phân theo chuỗi liên kết để phát triển ổn định cả về năng suất chất lượng và đầu ra của sản phẩm, đầu năm 2024, anh Khôn đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh, với 15 thành viên. Anh Khôn làm Chi hội trưởng.

"Những nông dân tham gia mô hình liên kết trồng xáo tam phân sẽ được cung cấp giống với giá rất rẻ, chỉ 50.000 đồng/cây, được công ty hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Bình quân sau 5 năm trồng, mỗi ha có thể cho lợi nhuận 300 triệu đồng/năm", anh Khôn cho biết.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Hưng, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trước khi biết đến cây xáo tam phân, kinh tế chỉ ở mức đủ chi phí sinh hoạt. Sau khi được anh Khôn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăm sóc, hiện tại gia đình anh có 5.000 m2 với hơn 6.000 gốc xáo tam phân. Đây cũng là nguồn thu nhập chính giúp kinh tế gia đình tốt hơn. Anh Hưng hy vọng tiếp tục được hỗ trợ để mở rộng diện trồng.

Ông Từ Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom, Đồng Nai đánh giá, mô hình trồng cây xáo tam phân của anh Nguyễn Văn Khôn đã phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao. Rõ rệt nhất là việc tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện có ít nhất 15 hộ tham gia vào Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh, từ đó nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ cây dược liệu quý này. Thời gian tới địa phương tiếp tục nhân rộng vì đây là mô hình hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.

Anh Nguyễn Văn Khôn là nông dân duy nhất của Đồng Nai được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Nguồn bài viết