Trị mãi không dứt bệnh 'quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm thành thuốc'

2 năm trước 166
Trị mãi không dứt bệnh quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm thành thuốc - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022" do Bộ Y tế tổ chức vào hôm nay 10-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết còn tồn tại doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, tạo hiểu lầm cho người dân.

Thứ trưởng cho biết thời gian qua dù Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... đã vào cuộc xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể. 

Về thực trạng quản lý quảng cáo thực phẩm, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Google, Facebook, YouTube...

Qua thanh tra, kiểm tra, cục này còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.

"Không có thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh. Tất cả nội dung quảng cáo trên đều không được cơ quan chức năng thẩm định", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh. 

Trong năm 2020 và 2021, cục đã phạt hành chính khoảng 4 tỉ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.  

"Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm chia sẻ. 

Theo lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, từ năm 2014 đến nay, đã xử phạt 43 tổ chức, cá nhân vi phạm, bao gồm trường hợp cảnh cáo và phạt tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.

Về giải pháp hạn chế và xử lý trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiến nghị hiện nay có tình trạng chỉ chú trọng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, còn kiểm duyệt nội dung quảng cáo vẫn lơ là, cơ quan phát hành cần lưu ý.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng cần quy định không được đặt mẫu quảng cáo sản phẩm cùng bài viết nghiên cứu, giới thiệu tính năng tác dụng của hoạt chất có trong sản phẩm quảng cáo để ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở để lách luật...

Từ đầu cầu TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm -  cho biết từ 2018-2020 (chưa tính đến trường hợp tới tận nơi thanh tra xử phạt) đã phạt hơn 1,6 tỉ đồng với 24 cơ sở vi phạm. Để mang tính răn đe, doanh nghiệp vi phạm còn bị nêu tên trên website.

Đại diện đầu cầu TP.HCM cũng biết "chúng ta có cả một rừng văn bản" cho những cơ sở hợp pháp, tìm đến đăng ký đàng hoàng, nhưng xử phạt đối với hình thức kinh doanh mới trên mạng điện tử còn khó khăn, nhiều lỗ hổng. 

Theo đó, bà Lan kiến nghị cần quy định đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực phẩm chức năng phải chịu trách nhiệm xin giấy tiếp nhận quảng cáo, nếu phát hiện quảng cáo sai phạm liên quan đến sản phẩm của mình thì phải báo cơ quan chức năng, tránh trường hợp khi kiểm tra thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi thì cũng nhận lợi nhuận.

"Công dụng thực phẩm chức năng thì nói rõ nhưng câu 'sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh' thì nói nhanh, không nghe được câu sau, cứ tưởng là thuốc mua về uống mãi không khỏi", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và đề nghị nội dung quảng cáo phát thanh cần phải có âm lượng rõ, đều.

'Hô biến' viên C sủi thành thực phẩm chức năng bán giá gấp chục lần

TTO - Lên mạng tìm hiểu mua bán thực phẩm chức năng, thấy clip hướng dẫn cách làm giả thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả sản phẩm để rao bán cho khách trên mạng.

Nguồn bài viết