Trị liệu tâm lý trực tuyến giúp cộng đồng

3 năm trước 280
Trị liệu tâm lý trực tuyến giúp cộng đồng - Ảnh 1.

Nhà trị liệu nghệ thuật Nguyễn Hương Linh - Ảnh: NVCC

Từ đây, chị bắt đầu tổ chức nhiều sự kiện song song với dịch vụ trị liệu tâm lý trực tuyến giúp ích cho cộng đồng.

Khởi đầu từ khu cách ly

Từng nhận học bổng Fulbright năm 2017 và tốt nghiệp chương trình thạc sĩ trị liệu nghệ thuật tại Trường nghệ thuật School of Visual Arts (New York, Mỹ), giữa tháng 9-2020, Hương Linh trở về từ Mỹ và thực hiện cách ly phòng dịch COVID-19 ở Hà Nội. 

Những ngày này, giữa không gian bó gọn, nữ thạc sĩ trẻ bắt đầu viết những bài đăng chia sẻ với mọi người. Thông qua MAI:tri – một không gian online cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý 1:1 và các hoạt động kết nối nội tâm thông qua nghệ thuật do mình sáng lập, chị bắt đầu chia sẻ về trị liệu nghệ thuật.

Những bài viết về hành trình học trị liệu nghệ thuật tại Mỹ đến những gợi ý thực hành khám phá bản thân qua sáng tạo... vốn mới mẻ ở Việt Nam lại bất ngờ được nhiều người quan tâm. Rồi chị nghĩ đến việc mở các workshop cho mọi người cùng tham gia. Chính những người "bạn" trong khu cách ly được thực hành trải nghiệm những workshop đầu tiên của Linh. 

Trải nghiệm mà chị cho rằng chưa thể gọi nghiêm túc là trị liệu ấy đã mang lại nhiều phản hồi tích cực. Hết thời gian cách ly, động lực nho nhỏ ấy thôi thúc Linh bắt đầu hành trình tái hòa nhập với văn hóa gốc và cho phép mình làm những dự án mang tính trị liệu nhiều hơn.

Thời gian sau đó, Hương Linh tiếp tục vào TP.HCM phối hợp với các tổ chức chuyên làm việc với cộng đồng dễ tổn thương, làm việc với những nhóm bệnh nhân ung thư, nhà hoạt động quyền người LGBT, thanh niên cơ nhỡ, và các nhân viên y tế, người hoạt động xã hội đang gặp vấn đề về thể chất lẫn tinh thần...

"Đây là thời gian tôi tái hòa nhập với văn hóa Việt Nam và chiêm nghiệm về những gì mình đã học được từ một nền văn hóa khác. Bên cạnh sự mới lạ, những định kiến và ngộ nhận về trị liệu tâm lý cũng là trở ngại lớn để phát triển cách thức chăm sóc sức khỏe này" - Hương Linh tâm sự.

Nhiều dự án giúp đỡ cho cộng đồng

Những trở ngại ban đầu không thể ngăn được giấc mơ của chị. Sau khi rời TP.HCM, Hương Linh chọn Hội An là điểm dừng chân của mình. Chị bắt đầu tổ chức những buổi trị liệu nhóm và trị liệu cá nhân ở Đà Nẵng, Hội An và tích cực đẩy mạnh việc trị liệu trực tuyến cho những thân chủ ở các tỉnh thành khác dọc Việt Nam. 

Chị đã gây được quỹ để sử dụng trị liệu nghệ thuật hỗ trợ các đối tượng là trẻ em gái và phụ nữ từng trải qua bạo hành hay gặp khó khăn trong cuộc sống, những bệnh nhân ung thư... với chi phí thấp hoặc miễn phí. Các chương trình dành cho người LGBT cũng được chị hướng đến.

Đầu năm 2021, sau thời điểm lũ bão ở miền Trung và dịch bệnh kéo dài, Hương Linh đã phối hợp với một đơn vị hỗ trợ sức khỏe tinh thần và đào tạo tâm lý tại TP.HCM để tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến miễn phí với chủ đề "Có hiểu có thương 2021 - Chăm sóc sức khỏe tâm lý trong khủng hoảng". 

Tại đây, chị mời các chuyên gia cùng chia sẻ kiến thức về tâm lý học, cách chăm sóc bản thân và người xung quanh vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Qua 20 hội thảo, "Có hiểu có thương 2021" đã chia sẻ các thực hành chăm sóc sức khỏe thân-tâm-trí bao gồm trị liệu nghệ thuật, yoga, trị liệu múa/chuyển động, viết sáng tạo, bài tập thở... thu hút hơn 3.200 người đăng ký và quan tâm.

Những hội thảo về cả kiến thức lẫn thực hành chăm sóc sức khỏe tâm lý trong khủng hoảng có nhiều vấn đề xoay quanh COVID-19. Qua các diễn đàn, các chuyên gia thường hỗ trợ chia sẻ những khó khăn tâm lý trong cuộc sống giãn cách xã hội.

Theo Hương Linh, cuộc sống thời giãn cách không được đến trường, không được giao tiếp với bạn bè và những mối quan hệ khác kèm theo sự mệt mỏi khi phải làm việc hoặc học tập qua màn hình nhiều giờ dẫn đến con người có cảm giác cô đơn, mất kết nối và thiếu hỗ trợ. 

Mặt khác, việc ở nhà quá lâu và liên tục đón những tin tức về tình hình dịch bệnh dễ xảy ra xích mích với người thân và khuấy động nỗi sợ bên trong mỗi người. Chị Linh nhận thấy những cảm xúc tiêu cực thường gặp trong mùa dịch khi không được chăm sóc và xoa dịu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm lý.

"Đi tìm nhà trị liệu để chăm sóc sức khỏe và tâm lý cũng quan trọng như khi ta tìm đến thầy thuốc để chữa bệnh về thể chất vậy. Tín hiệu đáng mừng là những định kiến về việc thăm khám cũng như trị liệu, tham vấn tâm lý đang dần được xóa bỏ và bình thường hóa" - Hương Linh cho hay.

Tham gia những buổi trị liệu bằng nghệ thuật, nhiều người chia sẻ bản thân họ hiểu được sự cần thiết của việc nâng niu, yêu thương cảm xúc bên trong mình. So với nói chuyện thông thường thì hoạt động vẽ, làm thủ công... sẽ giúp việc giải tỏa cảm xúc dễ dàng hơn. 

"Tôi cảm thấy vui về một hành trình được đánh thức nhà trị liệu bên trong mình, vui vì được chị Linh đồng hành, lắng nghe, ngợi khen và dẫn dắt để mình có thể kể câu chuyện thời thơ ấu và kể câu chuyện thương tổn của mình một cách tự do và không sợ hãi" - một người tham gia trị workshop trực tuyến chia sẻ.

Trị liệu nghệ thuật là dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con người kết hợp với các hoạt động thực hành nghệ thuật, quá trình sáng tạo, tâm lý học ứng dụng, và trải nghiệm cá nhân trong một mối quan hệ trị liệu, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Hiện Hương Linh cùng các chuyên gia khách mời đang thực hiện chuỗi workshop chủ đề "Sài Gòn thương lắm, Sài Gòn ơi!" với hàng chục người đăng ký tham gia. Điều đặc biệt, hàng chục triệu đồng thu được từ sự kiện được nhóm ủng hộ cho Quỹ từ thiện Bông Sen và Mỗi ngày một quả trứng để chung tay tiếp sức cho TP.HCM những ngày dịch bệnh.

Đưa chuyên gia tâm lý đến từng phòng bệnh giúp bệnh nhân COVID-19Đưa chuyên gia tâm lý đến từng phòng bệnh giúp bệnh nhân COVID-19

TTO - Sau khi bác sĩ thăm bệnh, một nhóm chuyên gia tâm lý sẽ đến từng phòng bệnh giải đáp những thắc mắc, những nỗi lo âu, giải áp tâm lý cho bệnh nhân. Thực tế cho thấy việc cởi bỏ tâm lý nặng nề rất tốt cho sức khỏe của người bệnh.

Nguồn bài viết