Trẻ mồ côi vì COVID đang cần gì ở chúng ta?

3 năm trước 467
Trẻ mồ côi vì COVID đang cần gì ở chúng ta? - Ảnh 1.

Một em nhỏ thả hoa đăng tưởng niệm người cha đã ra đi mãi mãi trong đại dịch COVID-19 trong đêm 19-11 tại TP.HCM - Ảnh: VÕ ANH

Nhiều cá nhân, tổ chức đang muốn trở thành điểm tựa tinh thần lẫn vật chất để hỗ trợ trẻ mồ côi sau đại dịch. Để các con đi tiếp quãng đời rộng lớn một cách tích cực, rất cần sự chuẩn bị từ những người lớn xung quanh trẻ, đặc biệt là người thân cận.

Nhà giáo, tiến sĩ giáo dục NGUYỄN THỊ THU HUYỀN - giám đốc chương trình, tổ chức giáo dục Teach For Vietnam - nói với Tổ ấm về việc thay đổi tâm lý của trẻ bỗng rơi vào hoàn cảnh mồ côi, cũng như cách chúng ta giúp đỡ trẻ đúng đắn nhất.

Trong 2 năm đầu tiên của mất mát, những người thân cần ở bên trẻ trong những dịp này nhiều hơn và khiến trẻ bận rộn với những việc tương tự thường ngày.

Vượt qua nỗi đau

* Thưa tiến sĩ, với một bạn trẻ trong tuổi ăn tuổi học, khi gặp một cú sốc mất người thân, nhất là cha mẹ, sẽ có những ảnh hưởng ra sao đến tâm lý?

- Trẻ em mất cha hoặc mẹ trong hoàn cảnh đau thương như COVID-19 là rất đau buồn. Những đứa trẻ có thể trải nghiệm lại sự kiện đau buồn thông qua những ký ức, suy nghĩ và cảm xúc xâm nhập tâm trí thường xuyên. Sau khi cha mẹ mất đi, con trẻ cũng có thể phát triển chứng rối loạn đau buồn kéo dài.

Đứa trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục cuộc sống của chúng, trải qua cảm giác cay đắng và cảm giác rằng cuộc sống vô nghĩa, đây là một phần của hội chứng tách biệt xã hội.

Nhưng không chỉ trẻ em ở thời điểm này rất cần được hỗ trợ, trong một số trường hợp, cha mẹ/người chăm sóc còn lại của trẻ đang phải vật lộn với nỗi đau của chính họ và có thể tự gặp khó khăn về tâm lý. Do đó, việc hỗ trợ đầy đủ cho trẻ có thể là một thách thức đối với họ. 

Trường hợp khác, nếu trẻ mất hẳn cả cha và mẹ thì trẻ mất hẳn người chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần.

* Vậy làm sao giúp các con vượt qua nỗi đau lớn đó, thưa chị?

- Việc vượt qua nỗi đau là tùy thuộc vào từng trẻ và sự hỗ trợ mà trẻ nhận được từ những người thân thiết quanh trẻ. Có một số chiến lược chung mà những người thân hoặc lực lượng công tác xã hội có thể xem xét.

1. Chấp nhận sự đau thương

Nếu các em khóc lóc, than vãn, lo lắng..., người lớn có thể lắng nghe và chia sẻ, không xoa dịu một cách hời hợt. Người lớn có thể dạy trẻ cách bộc lộ các cảm xúc đau buồn này mà không làm tổn hại thể chất hoặc tinh thần của các em. Ví dụ: các em có thể khóc, có thể kể, có thể viết nhật ký...

Người lớn xung quanh có thể nhắc những điều tốt đẹp về cha mẹ của các em và khuyến khích các em cùng cầu nguyện điều tốt lành sẽ luôn đến với cha mẹ ở thế giới khác. Việc trò chuyện thẳng thắn về cái chết của cha/mẹ trong trạng thái bình tĩnh giúp ích cho trẻ hơn là né tránh hoặc nói dối trẻ.

2. Hạn chế các hoạt động, sự kiện gợi nhắc kỷ niệm gia đình trong giai đoạn đầu

Các sự kiện họp mặt toàn gia đình như ngày lễ, tết có thể khiến trẻ cảm thấy tủi thân, cô độc và nhớ về cha/mẹ đã khuất nhiều hơn. Trong 2 năm đầu tiên của mất mát, những người thân cần ở bên trẻ trong những dịp này nhiều hơn và khiến trẻ bận rộn với những việc tương tự thường ngày.

3. Duy trì các thói quen, hoạt động hằng ngày

Việc hạn chế sự thay đổi có thể sẽ giúp ích trẻ. Ví dụ, người thân có thể chuyển đến ở cùng nhà cũ của trẻ nếu trẻ mất cả cha lẫn mẹ, trò chuyện với trẻ để biết những thói quen hằng ngày của gia đình trước đây. 

Nếu trẻ mất cha/mẹ thì người còn lại có thể thảo luận cùng trẻ để sắp xếp lại một số hoạt động, thói quen trong nhà, nhưng những gì không cần thay đổi thì có thể giữ như cũ.

4. Hỗ trợ tài chính

Trẻ mất cha/mẹ có thể mất đi trụ cột tài chính của gia đình. Do đó, các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ học phí và các chi phí sinh hoạt tối thiểu cho gia đình, hoặc giới thiệu việc làm cho cha/mẹ để họ có thu nhập ổn định nuôi trẻ.

Trường hợp trẻ có biểu hiện rối loạn tâm lý, người thân có thể nhờ các tổ chức xã hội tìm kiếm các chuyên gia chuyên nghiệp để hỗ trợ.

Chăm sóc tâm lý

* Việc dạy trẻ mồ côi trong những môi trường tập thể và gia đình thì ở đâu sẽ giúp trẻ hòa nhập, ổn định tâm lý hơn?

- Nếu trẻ mất cả cha và mẹ và không có người thân nào nhận chăm sóc thì chúng ta mới tính đến việc tìm môi trường tập thể (mái ấm, viện mồ côi...) hoặc cha mẹ nuôi cho trẻ. 

Với trường hợp trẻ còn cha/mẹ và cha/mẹ dù có khó khăn tài chính nhưng vẫn rất yêu thương, quan tâm trẻ, tôi luôn tin môi trường gia đình của trẻ là sự lựa chọn tốt nhất.

* Gần đây, nhiều người nhắc đến văn hóa nhận con nuôi nên hình thành trong xã hội Việt Nam như đã và đang có ở các nước phương Tây. Chị thấy vấn đề này như thế nào?

- Theo quan sát kinh nghiệm của tôi, ở Việt Nam đã có rất nhiều người nhận con nuôi, dù không hoàn tất cả thủ tục pháp lý chặt chẽ theo quy định hoặc theo cách như ở phương Tây. Do đó, cũng khó nói rằng mô hình này chưa phổ biến ở Việt Nam.

Trong trường hợp nếu trẻ mất cả cha lẫn mẹ hoặc người còn lại không có khả năng nuôi nấng, tôi vẫn khuyến khích trẻ nên được sống với họ hàng thân thích, có mối quan hệ huyết thống và từng gắn bó với trẻ nếu họ thực sự chào đón và có khả năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. 

Nếu điều này không thể thực hiện thì việc tìm gia đình nhận nuôi dưỡng hay đưa trẻ vào các môi trường tập thể mới nên được suy xét đến.

Trao 5 tỉ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 tại TP.HCMTrao 5 tỉ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 tại TP.HCM

TTO - Sáng 29-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao 5 tỉ đồng từ Quỹ 'Vì người nghèo' do trung ương hỗ trợ trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 tại TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tiếp nhận hỗ trợ.

Nguồn bài viết