Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, chụp hình cùng các em thiếu nhi tham dự buổi gặp gỡ lãnh đạo TP - Ảnh: K.ANH
Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP, đề nghị lãnh đạo TP cần tiếp thu đầy đủ, chọn lọc, hiện thực hóa các đề xuất, giải pháp mà đại biểu thiếu nhi TP đã đề xuất liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như đóng góp cho sự phát triển của TP, hướng đến xây dựng "Thành phố thân thiện với trẻ em".
Nhiều đề xuất thiết thân
Bạn Nguyễn Minh Thuận, lớp 8, huyện Bình Chánh, nói các bạn nhỏ ở ngoại thành rất khó đi xem tại rạp xiếc gần như duy nhất của TP đặt tại công viên Gia Định.
"Em mong thiếu nhi ngoại thành có được nhiều nơi giải trí sau những giờ học căng thẳng", Thuận nêu. Bạn Lý Quyên, lớp 8, quận 3, cũng mong muốn cung thiếu nhi của TP sẽ nhanh chóng được xây dựng để phục vụ đông đảo thiếu nhi của TP hơn nữa.
Bạn Hoài Ân, lớp 5 và bạn Song Hy, lớp 7, bày tỏ nguyện vọng muốn được học môn lịch sử bằng cách hấp dẫn hơn. "Trong khi đó, lên trên mạng chúng em thấy thích thú xem những thông tin về lịch sử", Song Hy bày tỏ.
Bạn Ngọc Phương, lớp 8, cho rằng kỹ năng nghe - nói ít được thực hành trong trường học. "Em mong giờ học với giáo viên bản ngữ được tăng cường" - Phương cho hay.
Bạn Huỳnh Anh Thư, lớp 6, thì đề xuất cần nâng cao chất lượng phòng tư vấn học đường để học sinh có nhu cầu đến đó được hỗ trợ giải tỏa tâm lý.
"Em thấy việc đọc sách trong học sinh đang suy giảm, dễ sa đà vào thế giới ảo. Em mong được nâng cao văn hóa đọc hơn nữa" - bạn Khánh Hà, lớp 5, phát biểu.
Lắng nghe và cải thiện
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết sở cũng đã tập huấn các thầy cô thay đổi cách dạy, trong đó có môn lịch sử, không chỉ dừng ở học lý thuyết như trước đây mà còn nhiều hoạt động giáo dục khác, lồng ghép những hoạt động ngoài trường học, để các em trải nghiệm và tìm hiểu kiến thức bằng cách dễ tiếp nhận hơn.
Ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho rằng môi trường Internet hiện nay cùng với các công nghệ phát triển khiến không gian thực và không gian số đã hòa hợp nhau, chừng mực nào đó có tác động trực tiếp đến giới trẻ.
"Chúng ta cần giáo dục các kỹ năng cũng như hướng dẫn người lớn là cha mẹ, thầy cô hỗ trợ các em trong việc sử dụng Internet. Bản thân Internet không có rác mà rác trên đó là do con người mang vào, chính vì thế chúng ta phải biết phát hiện, đấu tranh những hành vi xả rác trên không gian mạng", ông Cường nêu.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết đã nhận hơn 100 ý kiến của thiếu nhi gửi về lãnh đạo TP, bà đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tại từng địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để mở rộng trường lớp, các sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè và các dịp lễ tết.
"Nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tạo một môi trường vui chơi giải trí lành mạnh mà ở đâu, lúc nào các em cũng nhận được sự chăm lo, giáo dục và học tập ở người lớn; trong đó, đặc biệt chăm lo các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con của công nhân, nông dân, người lao động, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi" - bà Lệ nhấn mạnh.
Mong được sống trong môi trường an toàn
Bạn Mai Cát Vi, lớp 7, nêu vấn đề thời gian qua thông tin tiêu cực về trẻ em khá nhiều, như câu chuyện một bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết, những em nhỏ phải ăn xin ngoài đường, bất chấp nguy hiểm và an toàn giao thông…
"Những hình ảnh đó làm chúng em bất an và có thể nghi ngờ với những người xung quanh. Tâm lý như vậy sẽ không ổn cho sự phát triển và lớn lên của thiếu nhi. Em mong được sống và lớn lên trong môi trường an toàn" - Vi chia sẻ.
Bạn đề xuất cần tăng nặng hình phạt dùng trẻ em lao động, bạo hành trẻ em, tuyên truyền và kêu gọi người dân không dung túng những ai lợi dụng trẻ em.