Trải lòng với cha mẹ bằng... tin nhắn

3 năm trước 455
Trải lòng với cha mẹ bằng... tin nhắn - Ảnh 1.

Những người con xa nhà gửi lời yêu thương đến bố mẹ qua mạng xã hội - Ảnh: HOÀNG AN

Nhiều người trẻ chọn cách nhắn tin để bày tỏ cảm xúc, nỗi niềm, hoặc những suy nghĩ mà họ cảm thấy khó diễn đạt bằng lời. Từ đó, giữa cha mẹ và con cái thấu hiểu nhau dễ dàng hơn.

Lúc viết, mình cảm thấy bình tĩnh nhất và có đủ thời gian để sắp xếp từ ngữ, biết mình muốn nói gì một cách đầy đủ nhất.

NGUYỄN NHƯ NGỌC

Những điều "khó nói"

Nguyễn Như Ngọc (25 tuổi) chia sẻ thời gian cô bắt đầu nhắn tin cho cha mẹ là khi vừa tốt nghiệp đại học. Lúc ấy, Ngọc nói bỗng dưng cảm thấy mình trưởng thành hơn và cần tìm một phương thức đủ hữu hiệu để trò chuyện với cha mẹ, đặc biệt khi hai bậc phụ huynh thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn nhau.

"Mỗi lần ba mẹ cãi nhau, mình thường chỉ ngồi nghe mà không lên tiếng, nhưng rồi sau đó sẽ chủ động nhắn tin cho từng người để an ủi, cũng như chia sẻ góc nhìn của mình với vai trò là một người con trong nhà", Ngọc nói.

Với Ngọc, cô chọn cách gửi tin nhắn thay vì trò chuyện bởi đây là cách giúp cô truyền đạt được hết những gì mình muốn nói. Bên cạnh đó, Ngọc cho rằng việc nhắn tin cũng giúp cha mẹ chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để đọc khi họ đã bình tâm lại.

"Lúc nóng giận, nhiều khi ba mẹ không đủ kiên nhẫn để nghe mình nói. Hơn nữa, mình không phải là người dễ thể hiện cảm xúc hay suy nghĩ ra ngoài. Nhiều khi lúc cần nói mình lại quên phải trình bày những gì hay sắp xếp ý tứ ra sao, chọn cách nói nào để ba mẹ chịu nghe...", Ngọc cười.

Ngọc nói cha mẹ cô cũng là người ít bày tỏ cảm xúc. Vì vậy, cả hai thường không phản hồi các tin nhắn của Ngọc. Tuy nhiên, sau đó không khí gia đình trở nên nhẹ nhàng hơn và không còn căng thẳng như trước.

Phụ huynh của Như Ngọc cũng cởi mở trước những lời góp ý và chia sẻ từ con cái. Cô nói họ chưa bao giờ có suy nghĩ "con nít không nên dạy đời người lớn". Ngược lại, cha mẹ Ngọc đọc tin nhắn và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của cô tuy không nói ra, từ đó dần dần cải thiện mối quan hệ.

Như Ngọc nói đùa dù các thành viên trong gia đình cô đều ở cùng nhà, chỉ cách nhau từ phòng này qua phòng khác, nhưng mỗi khi có điều gì khó nói, họ đều chọn cách viết ra những tâm sự rồi gửi đi.

"Có lần bố mẹ mình cãi nhau, mẹ viết thư tay cho bố. Bố đọc xong cũng có chia sẻ lại với mình. Mình cảm thấy đôi khi giải quyết vấn đề bằng lời nói không hiệu quả, nhất là đối với những người thiếu kiên nhẫn hoặc khắc khẩu với nhau", cô nói.

Tương tự, với Nguyễn Thị Hồng Yến (31 tuổi), nhắn tin là phương thức trò chuyện quen thuộc giữa cô và cha mẹ, đặc biệt là kể từ khi cô rời Việt Nam sang Bỉ sinh sống và lập gia đình vào năm 2017. Từ hồi sống xa nhà, không còn gần bố mẹ nữa mới thấy nhớ, Yến chia sẻ.

"Thế là mình bắt đầu thủ thỉ, tỉ tê đủ kiểu qua tin nhắn. Hồi đầu cũng không quen lắm đâu, nhưng buồn quá làm liều, mình nhắn ‘tá lả’, bụng nghĩ bố mẹ đọc xong chắc lo lắm vì không hề giống với đứa con gái hoạt bát, năng động, vui vẻ ngày nào", Yến cười.

"Bất ngờ nhất là sau khi ngủ một giấc, sáng dậy mình thấy điện thoại báo quá chừng tin nhắn của bố mẹ. Bất ngờ hơn là bố mẹ cũng bảo nhớ rồi động viên mình. Cả gia đình nhắn tin nói yêu thương và nhớ nhau! Trước đó nhà mình chả bao giờ nói với nhau những điều ấy", cô kể.

Yến nói có những điều khi trò chuyện trực tiếp cô cảm thấy ngại. Với cô, những lời khó nói thường nhắn tin lại dễ chia sẻ hơn, khiến cô thấy nhẹ nhàng và tình cảm hơn. Bên cạnh đó, khi nhắn tin trong trạng thái bình tâm, những thông điệp cũng đầy đủ ý nghĩa hơn vì cô có thời gian suy nghĩ kỹ hơn so với nói.

Cũng như Ngọc, vào thời điểm giữa cha mẹ xảy ra bất đồng sau một biến cố lớn, Yến là người đứng giữa, và thông qua tin nhắn cô bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình cho cả hai phía, làm giảm nhẹ sự căng thẳng.

"Kể từ biến cố ấy, bố mẹ và con cái trong nhà mình thường xuyên nhắn tin nói chuyện với nhau, hiểu được suy nghĩ của nhau nhiều hơn. Từ ngày mình làm mẹ, có con gái nhỏ, mình lại càng hiểu và yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Từ đó, việc nhắn gửi những lời yêu thương, tâm sự tỉ tê cũng dễ hơn. Cảm giác tuy xa mà gần", Hồng Yến trải lòng.

Khi công nghệ trở thành "cầu nối"

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (giám đốc Chương trình Tâm lý học ĐH Hoa Sen), trong thời đại phát triển của công nghệ, các phương thức giao tiếp trực tuyến, ứng dụng tin nhắn đã trở thành công cụ không thể thiếu trong giao tiếp của các bạn trẻ. Một số báo cáo cho thấy những cuộc chuyện trò trực tuyến có thể giúp nâng cao chất lượng các mối quan hệ thông qua những ưu điểm riêng biệt như sự nhanh chóng, linh hoạt về thời gian và đa dạng các hình thức tương tác cho người sử dụng.

"Không đứng ngoài xu thế trên, hình thức giao tiếp này cũng dần đi vào trong đời sống của các gia đình. Trong giao tiếp ở gia đình, trò chuyện trực tuyến có thể có một số ưu điểm mà hình thức trao đổi trực tiếp không có", ThS Hồng Ân cho biết.

Tin nhắn có thể là một "chất xúc tác" hữu hiệu để mở đầu cuộc hội thoại. Một số nghiên cứu cho thấy bạn trẻ có thể cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi bắt đầu cuộc trò chuyện sử dụng các phương thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, khi trao đổi qua tin nhắn, các bạn có khoảng thời gian để suy nghĩ, sắp xếp nội dung và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Vì vậy, với những bạn chưa quen với việc chia sẻ trực tiếp với cha mẹ, người thân trong gia đình, việc khơi gợi cuộc trò chuyện bằng các phương pháp gián tiếp có thể rút ngắn khoảng cách của đôi bên và giúp các bạn lựa chọn truyền tải hữu hiệu những thông điệp đôi khi khó được thể hiện đầy đủ bằng lời nói.

"Các ứng dụng trò chuyện trực tuyến như Zalo, Messenger... giúp nhiều người trong gia đình có thể cùng tương tác, làm tăng sự tham gia và gắn bó giữa các thành viên, tạo điều kiện để mọi người cập nhật thông tin cuộc sống hằng ngày, những biến chuyển, thay đổi của từng thành viên. Đặc biệt với những thành viên phải sống xa nhà, giao tiếp qua ứng dụng công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách, gia tăng kết nối và hiểu biết qua lại trong gia đình", ThS Hồng Ân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ThS Hồng Ân, phụ thuộc vào công nghệ có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian giao tiếp trực tiếp. Việc không thể quan sát được cảm xúc và các biểu hiện phi ngôn từ như giọng nói, khuôn mặt, cử chỉ cơ thể... cũng có thể khiến người tham gia có thể hiểu sai những nội dung mà thông điệp muốn truyền tải.

"Theo một số chuyên gia, khi nhận thấy những thông điệp được trao đổi trực tuyến có nguy cơ bị hiểu sai, các thành viên trong gia đình cần chuyển sang trao đổi trực tiếp, mặt đối mặt hoặc nhìn thấy nhau qua video call", ThS Hồng Ân nói.

Kết nối

Theo ThS Hồng Ân, giao tiếp trong gia đình cần đến từ hai phía. Việc tiếp cận, cởi mở với các ứng dụng công nghệ hiện đại là cần thiết để cha mẹ có thể bước vào thế giới các bạn trẻ. Từ đó có thể hiểu được góc nhìn và thói quen giao tiếp, cũng như truyền tải hiệu quả những thông điệp mà mình mong muốn đến thế hệ trẻ.

"Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có những đặc điểm riêng biệt trong giao tiếp, hoàn cảnh... Vì vậy, việc nhận diện cách thức giao tiếp tối ưu trong mỗi gia đình là cần thiết. Một số cha mẹ cũng có thể mong muốn duy trì các tương tác truyền thống trực tiếp để đảm bảo những ranh giới, sự nghiêm túc trong trao đổi. Khi đó, gia đình có thể cần cùng thống nhất những phương thức giao tiếp phù hợp với từng thời điểm, tình huống", ThS Hồng Ân nhấn mạnh.

Trẻ muốn nói gì với cha mẹ?Trẻ muốn nói gì với cha mẹ?

TTO - Mong muốn được tôn trọng sự riêng tư, được dành thời gian nhiều hơn, ăn những bữa ăn gia đình hay đơn giản chỉ là những giây phút cả gia đình sum họp... là những điều trẻ muốn nói với cha mẹ của mình.

Nguồn bài viết