Những người dân Việt gốc Lào đến khám bệnh tại Trạm xá quân dân y thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê - Ảnh: LÊ MINH
7h sáng, bà Phan Thị Liên (80 tuổi, ngụ thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tìm đến Trạm xá quân dân y (thuộc Đồn biên phòng Phú Gia) để khám bệnh thấp khớp. Bà Liên là người Việt gốc Lào, thuộc thế hệ thứ 3 di cư sang Việt Nam sinh sống. Chồng bà cũng là người Việt gốc Lào và sinh ra tại Việt Nam.
Suốt chục năm nay, mỗi khi đau ốm bà lại tìm đến Trạm xá quân dân y Phú Lâm để được thăm khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí, được cán bộ ở đây xem như người thân trong nhà.
"Cán bộ ở đây tốt lắm, luôn hỏi thăm sức khỏe tôi thường xuyên. Ngoài những lúc ốm nặng phải đi viện, còn lúc đau ốm nhẹ tôi đến Trạm xá quân dân y khám, cán bộ cho thuốc, uống xong ít hôm khỏe lại", bà Liên nói.
Đại úy Võ Đăng Đức khám bệnh để cấp thuốc cho bà Phan Thị Liên - Ảnh: LÊ MINH
Ngồi cạnh bà Liên, chị Ngô Thị Hồng Linh (26 tuổi, người gốc tỉnh Bình Định) cho biết chị lấy chồng người Việt gốc Lào về định cư tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê 5 năm nay. Vợ chồng chị làm ruộng kiếm sống ở vùng núi, cách xa bệnh viện nên mỗi khi con đau ốm, chị đưa đến Trạm xá quân dân y để khám và xin thuốc.
"Cán bộ ở đây khám miễn phí, phát thuốc không lấy tiền. Những lúc bệnh nặng quá mới đưa đi viện thôi. Có trạm ở đây nhân dân đỡ vất vả nhiều lắm", chị Linh tâm sự.
Ông Lê Văn Hòe (56 tuổi, ngụ thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê) cho biết nhà ông đã 3 đời di cư từ Lào sang Việt Nam sinh sống, hiện ông được tín nhiệm làm trưởng bản của người Việt gốc Lào tại thôn Phú Lâm.
Theo lời ông Hòe, người gốc Lào di cư đến thôn Phú Lâm khoảng những năm 1940. Lúc đầu chỉ có khoảng 4 người, đến nay toàn thôn Phú Lâm có 64 hộ với 300 nhân khẩu.
Cán bộ Trạm xá quân dân y thôn Phú Lâm ngoài khám và cấp thuốc miễn phí tại trạm cho người dân, những lúc xuống địa bàn còn chủ động thăm khám cho các cháu nhỏ nhằm sớm phát hiện các cháu đau ốm để phát thuốc.
"Người dân ở đây vào rừng kiếm sống thường xuyên, có nhiều trường hợp vào rừng bị bệnh, không thể về nhà được, chúng tôi phải báo với bộ đội để họ vào cấp cứu, cứu sống và đưa về nhà", ông Hòe nói thêm.
Vui vì người dân tin yêu
Đại úy Võ Đăng Đức - cán bộ Trạm xá quân dân y Phú Lâm (thuộc Đồn biên phòng Phú Gia, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) - cho biết trạm được thành lập năm 2012 nhằm chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Gia và nhân dân thôn Phú Lâm.
Trạm được biên chế 2 cán bộ, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một cán bộ vừa qua được điều động đến khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo làm nhiệm vụ, hiện ở trạm chỉ còn đại úy Đức làm công tác chuyên môn.
Đại úy Đức về công tác tại Trạm xá quân dân y Phú Lâm ngót nghét 10 năm nay, thời gian đủ dài để gần gũi và hiểu về cuộc sống của những người Việt gốc Lào đang sinh sống trên địa bàn.
"Những người dân sống ở vùng biên cuộc sống đều khó khăn, đường sá đi lại có nhiều bất tiện nên Trạm xá quân dân y được lập nên cũng giúp đỡ họ được khá nhiều trong cuộc sống. Những lúc họ đau ốm chúng tôi đều kịp thời thăm khám, phát thuốc, chỉ những trường hợp bị ốm nặng chúng tôi mới giới thiệu họ đến các tuyến trên", đại úy Đức cho hay.
Là trạm xá nằm ở vùng biên giới, cơ sở vật chất còn thiếu, kinh phí hoạt động chưa nhiều, ở đây chủ yếu thăm khám, cấp thuốc cho người dân bệnh nhẹ như đau đầu, tiêu chảy, phòng sốt, giảm đau…
"Cán bộ ở trạm không chỉ thăm khám cho bệnh nhân tại chỗ, nhiều trường hợp là cụ già, trẻ em chúng tôi phải đến tận nhà để khám và điều trị, so với nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân thì nhân lực còn thiếu, thiết bị còn thiếu. Tuy nhiên, những bác sĩ mang quân hàm xanh như chúng tôi luôn hạnh phúc vì được người dân luôn tin yêu", đại úy Đức tâm sự.